Libya trước nguy cơ rơi vào làn sóng bạo lực mới

13/08/2019 18:17

Giao tranh dữ dội trong những ngày qua ở thủ đô Tripoli và khu vực lân cận đang trở thành mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Libya.

Lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại Libya, các nước Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa ra tuyên bố chung kêu gọi các bên tham gia xung đột tại Libya ngừng bắn ngay lập tức.


Giao tranh ác liệt giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi dậy ở Thủ đô Tripoli

Chìm sâu trong khủng hoảng

Đất nước Libya đã rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ Tổng thống Moamer Gadhafi. Libya thời hậu "Mùa Xuân Arab" giờ đây đang trở thành một đất nước bị phân chia và cạnh tranh quyền lực, một vùng đất đầy rẫy sự mất an ninh, bất ổn kinh tế, xã hội bị xáo trộn. Các phe phái chính trị lợi dụng mâu thuẫn giữa các bộ tộc để kích động đối đầu, khiến bối cảnh ở Libya ngày càng phức tạp và hỗn loạn.

Hiện ở quốc gia Bắc Phi này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng ở miền Đông và miền Tây. Phần phía Đông của đất nước do Quốc hội điều hành, được hỗ trợ bởi lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar và nằm ở Tobruk. Trong khi đó, Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA), đứng đầu là Thủ tướng Fayez Sarraj, hoạt động ở phía Tây Libya và có trụ sở chính quyền tại thủ đô Tripoli, được quốc tế công nhận và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Đầu tháng 2.2019, tướng Haftar khởi sự chiến dịch chiếm lĩnh vùng Tây Nam, khu vực giáp giới với Tchad và Algeri, nơi có những mỏ dầu quan trọng của Libya. Lý do mà tướng Haftar đưa ra là nhằm loại trừ các nhóm khủng bố và tội phạm. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được một phần khu vực Tây Nam, từ đầu tháng 4.2019, quân đội của tướng Haftar chuyển hướng về miền Tây, nhắm vào thủ đô Tripoli với mục tiêu giành quyền kiểm soát từ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA). Nhưng chiến dịch này đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của nhiều lực lượng trung thành với GNA.

Để đáp trả, từ ngày 7.4.2019, GNA tuyên bố mở đầu chiến dịch “Núi lửa nổi giận” với mục tiêu giải phóng toàn bộ các thành phố Libya khỏi các lực lượng bất hợp pháp do tướng Haftar cầm đầu.

Giao tranh bùng phát đã đẩy cuộc xung đột giữa LNA và GNA lên một nấc thang mới hết sức nguy hiểm, làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại Libya. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đầu tháng 4 đến nay, xung đột vũ trang tại Libya đã làm hơn 1.000 người chết, 5.700 người bị thương, và buộc hơn 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Điều đặc biệt nghiêm trọng là trong số những cuộc giao tranh giữa các nhóm vũ trang ủng hộ hai chính quyền tồn tại song song hiện nay ở Libya có hàng chục vụ tiến công nhằm vào các cơ sở nhân đạo. Đáng chú ý là vụ không kích vào trung tâm tạm giữ người di cư ở ngoại ô Tripoli (Libya) ngày 2-7-2019 vừa qua khiến ít nhất 40 người di cư thiệt mạng và hơn 80 người khác bị thương.

Sau vụ không kích này không có bên nào chịu thừa nhận gây ra vụ việc. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ đổ lỗi cho lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng do tướng Khalifa Haftar cầm đầu tiến hành vụ không kích đẫm máu này. Trong khi LNA cũng phủ nhận lực lượng của mình đánh trúng trung tâm người di cư trên. Song bất kể bên nào thực hiện vụ không kích vào trại tạm giữ người di cư trên thì cuộc xung đột tranh giành tại Tripoli vẫn đang là mối đe dọa nghiêm trọng, đưa Libya vào một làn sóng bạo lực mới.

Gần đây nhất là vụ nổ bom xe xảy ra trước cửa một trung tâm mua sắm và ngân hàng tại thành phố Benghazi ở miền Đông Libya ngày 10-8-2019 khiến 3 nhân viên của Liên hợp quốc thiệt mạng.

Trong bối cảnh đó, phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã bày tỏ hết sức quan ngại về tình trạng bạo lực tại quốc gia này. Ngày 10-8-2019, nhân lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 11 và kết thúc vào 15-8, Liên hợp quốc đã đề xuất một lệnh ngừng bắn nhân đạo quanh thủ đô Tripoli (bao gồm cả một lệnh cấm không kích vì lý do nhân đạo) và đã được GNA cũng như LNA chấp thuận. Nhưng ngay sau đó một ngày, ngày 11.8, hai lực lượng xung đột ở Libya đã cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn trên.

Theo người phát ngôn của GNA, Mustafa al-Mejii, cho biết sáng 11-8 - ngày đầu tiên của kỳ lễ Eid al-Adha - LNA đã bắn tên lửa vào khu vực Suk al-Juma ở thủ đô Tripoli khiến 3 thường dân bị thương và phóng rocket vào sân bay Mitiga, sân bay duy nhất còn hoạt động duy nhất ở thủ đô Tripoli, khiến nhiều chuyến bay bị hoãn. Trong khi đó, LNA lại cáo buộc các lực lượng trung thành với GNA nổ súng tại khu vực Zuhur.

Những hệ lụy nguy hiểm

Có thể thấy rõ, kể từ sau khi lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar đứng đầu tiến công vào thủ đô Tripoli nhằm giành quyền kiểm soát từ GNA (đầu tháng 4-2019) đã khiến tình hình an ninh ở Libya rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau những thắng lợi ban đầu, LNA lại đang có biểu hiện sa lầy khi vấp phải sự kháng cự từ các lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA).

Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng ở Libya ngày càng phức tạp khi cả hai phe xung đột ở Libya hiện nay đều nhận được sự ủng hộ quân sự của các nước mạnh trong khu vực. Theo giới phân tích, hiện nay Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia thì ủng hộ Tướng Khalifa Hafta, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar lại hỗ trợ các nhóm dân quân liên minh với GNA. Trong khi đó, các nước phương Tây thì hợp tác với các nhóm dân quân để chống lại những phần tử cực đoan và ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu.

Sự hậu thuẫn từ bên ngoài đối với các phe nhóm đối địch khiến tình hình Libya ngày càng trở nên phức tạp. Các nhà phân tích cho rằng, khó có thể đi tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực khi các bên đều có những toan tính lợi ích riêng trên “bàn cờ Libya”.

Trong khi đó, có một thực tế khác là khoảng trống chính trị và an ninh ở Libya đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho các nhóm khủng bố phát triển. Bộ Nội vụ của Chính phủ GNA gần đây đã bắt giữ ở ngoại ô thủ đô Tripoli một số thủ lĩnh Al Qeada thuộc khối Maghreb. Nhiều đối tượng bị truy nã đã lợi dụng tình hình chiến sự để xâm nhập vào khu vực này. Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng tuyển mộ các tay súng và thiết lập những lò đào tạo khủng bố ở Libya để “xuất khẩu” sang các nước trong khu vực.

Xung đột cũng nhiều lần làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, lĩnh vực đóng vai trò “xương sống” của nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này.

Tình hình bất ổn còn biến Libya trở thành điểm trung chuyển của các chuyến tàu chở người di cư bất hợp pháp từ châu Phi sang châu Âu. Bờ Địa Trung Hải vốn thơ mộng của Libya nay trở thành “điểm đen” khi nhiều người di cư bỏ mạng sau những chuyến tàu xuất phát từ đây trên hành trình tìm “miền đất hứa”.

Những diễn biến phức tạp trên đang gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh xung đột bùng phát trong những ngày gần đây bất chấp lệnh ngừng bắn của Liên hợp quốc, ngày 11.8, Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã kêu gọi các bên tham gia xung đột tại Libya ngừng bắn ngay lập tức và mở cuộc điều tra về vụ tấn công mới đây ở thành phố Benghazi khiến 3 nhân viên của Liên hợp quốc thiệt mạng.

Theo tuyên bố trên, 5 nước lên án mạnh mẽ vụ tấn công xảy ra ngày 10.8 tại Benghazi, nhấn mạnh cần phải lập tức xác minh hoàn cảnh cũng như xác định danh tính thủ phạm thực hiện vụ tấn công, đồng thời đưa những đối tượng này ra xét xử. Tuyên bố cũng tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ, Anh, Pháp, Italy và UAE đối với các sứ mệnh của phái bộ LHQ tại Libya.

Một thỏa thuận hòa bình giữa các phe phái ở Libya đã được Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy, song con đường tiến tới khai thông bế tắc hiện nay cho cuộc khủng hoảng này còn nhiều gian nan. Vì vậy, các bên đối địch cần đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin trước khi có thể ngồi vào bàn đối thoại nhằm chấm dứt xung đột, đưa Libya trở lại quỹ đạo hòa bình, ổn định.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Libya trước nguy cơ rơi vào làn sóng bạo lực mới