Bỏ qua những cảnh báo từ phía Trung Quốc, chính phủ Anh quyết định cấm tập đoàn khổng lồ Huawei của Trung Quốc tham gia cung cấp thiết bị cho mạng 5G tại nước này.
Huawei – công ty mạng viễn thông lớn nhất thế giới – đã chính thức bị cấm cửa tại Anh. Nguồn: NYTimes
Trung Quốc tuyên bố sẽ có hành động trả đũa tương ứng. Quyết định của Anh loại bỏ Huawei sẽ dẫn quan hệ hai nước Anh - Trung Quốc đi tới đâu?
Điều bất ngờ với Trung Quốc
Hồi tháng 1 năm nay, chính phủ Anh quyết định cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng 5G của nước này, nhưng giới hạn ở mức 35% và không được làm các phần cốt lõi của mạng 5G tại Anh. Ngày 14.7 vừa qua, phát biểu tại quốc hội Anh sau khi Thủ tướng Boris Johnson chủ trì các cuộc họp nội các và Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao của Anh Oliver Dowden nêu rõ từ cuối năm 2020, các nhà cung cấp viễn thông không được phép mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ Huawei, tiến tới loại bỏ tất cả các thiết bị của Huawei vào năm 2027. Ông Dowden nhấn mạnh đây là quyết định không hề dễ dàng gì do điều này khiến việc triển khai mạng 5G bị chậm 2-3 năm và chi phí sẽ đội thêm khoảng 2,5 tỷ USD. Theo ông Dowden, tuy khó khăn nhưng đây là bước đi đúng đắn cho các mạng viễn thông ở Anh, cho an ninh quốc gia và nền kinh tế trong ngắn hạn và tương lai lâu dài. Phản ứng trước quyết định của chính phủ Anh, đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh cho rằng “quyết định của chính phủ Anh là đáng thất vọng và sai lầm”. Trên mạng xã hội Twitter, ông Lưu Hiểu Minh viết “quyết định đáng thất vọng và sai lầm của chính phủ Anh đối với Huawei. Nghi ngờ liệu Anh có thể cung cấp môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối với các công ty nước ngoài hay không?”.
Giới chức Mỹ đã hoan nghênh quyết định của Anh. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Compeo nói: “Chúng tôi hoan nghênh Anh có kế hoạch quyết định cấm Huawei tham gia mạng 5G trong tương lai và loại bỏ dần những thiết bị không đáng tin cậy của Huawei khỏi các mạng hiện có. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với đối tác Anh nhằm tăng cường hệ thống mạng 5G mạnh và an toàn, vốn có “vai trò” thiết yếu đối với sự thịnh vượng và an ninh của cả hai bờ Đại Tây Dương”. Còn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien viết trên Twitter rằng: “Hành động của Anh phản ánh sự đồng thuận quốc tế ngày càng cao rằng Huawei và các nhà cung cấp không đáng tin cậy khác là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia” và cho biết Mỹ muốn hợp tác với Anh cũng như nhiều đối tác, đồng minh khác nhằm “thúc đẩy sự đổi mới, đa dạng của các nhà cung cấp mạng 5G và bảo đảm mạng 5G không bị thao túng nguy hiểm”. Việc nước Anh cấm cửa Huawei được cho là thắng lợi của Mỹ và các đồng minh thân cận với Mỹ. Nó cũng nhắc nhở đối tác khác không chỉ ở châu Âu mà cả các lục địa khác phải cân nhắc khi lựa chọn Huawei tham gia phát triển mạng 5G.
Lý do Anh loại Huawei
Hồi tháng 1 năm nay, chính phủ Anh cho phép Huawei tham gia 35% vào hạ tầng mạng viễn thông di động của Anh ở những bộ phận không cốt lõi và chính phủ Anh dự định sẽ áp dụng các quy định hiện có để giám sát vai trò của Huawei. Quyết định này không nhận được sự ủng hộ của một bộ phận quan trọng trong Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson. Có hai lý do để chính phủ quyết định cấm cửa đối với Huawei.
Thứ nhất, từ các lệnh trừng phạt của Mỹ cấm các công ty công nghệ Mỹ bán thiết bị cho Huawei, phía Anh cho rằng sự hỗn loạn không thể tránh khỏi đối với Huawei khi chuỗi cung ứng từ Mỹ bị gián đoạn khiến cho việc dựa vào Huawei trở nên rủi ro hơn. Huawei không tiếp cận được các linh kiện của Mỹ làm cho công ty này sẽ phải tìm đến các nguồn cung cấp khác. Những công nghệ khác “không đáng tin cậy” đó sẽ là vấn đề lớn đối với an ninh quốc gia của Anh. Do đó, Anh đã quyết định loại nhà cung cấp Huawei của Trung Quốc ra khỏi mạng 5G của mình, tất cả các trang thiết bị có nhãn Huawei đã được cài đặt tại Anh trong gần 20 năm qua phải được gỡ bỏ trước năm 2027. Đáng chú ý đến trước cuộc bầu cử năm 2024 nước Anh sẽ trên “con đường không thể đảo ngược” là loại bỏ Huawei ra khỏi các hệ thống mạng của mình.
Thứ hai, tại Anh ngày càng có nhiều thành viên trong Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Johnson có quan điểm cứng rắn về mối quan hệ với Trung Quốc. Nhiều thành viên trong đảng cho rằng nước Anh đã quá tự mãn và cả tin khi cho mình có thể gặt hái được các lợi ích kinh tế từ mối quan hệ với Trung Quốc mà không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả chính trị nào. Ông Duncan Smith, cựu lãnh đạo Đảng Bảo Thủ là nghị sĩ đương nhiệm nói rằng: “Vấn đề không phải là Anh muốn cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc. Vấn đề là bản thân Trung Quốc đang dần trở thành một đối tác không đáng tin và khá nguy hiểm” và “Đây không phải là quốc gia có thể biến mình thành một đối tác tốt và tử tế. Đó là lý do tại sao chúng ta cần xem xét lại mối quan hệ của mình với họ”. Ông Duncan Smith lấy dẫn chứng Trung Quốc đã từ bỏ tuyên bố chung Trung Quốc-Anh thỏa thuận lẽ ra phải bảo đảm Hồng Kông sẽ được hưởng quy chế tự trị ở mức cao khi được trao trả lại cho Trung Quốc. Ông này đã vận động các thành viên trong Đảng Bảo thủ ủng hộ việc loại Huawei ra khỏi mạng 5G của Anh và yêu cầu mọi công nghệ của Huawei đã được lắp đặt trong các cơ sở viễn thông của Anh cũng cần bị loại bỏ càng sớm càng tốt. Bên cạnh việc “cấm cửa” Huawei tham gia mạng 5G, nước Anh đã tiến thêm một bước nữa là tạm dừng một hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông kể từ ngày 20.7 năm nay. Không những thế, Anh sẵn sàng trừng phạt một số quan chức Trung Quốc, thậm chí sẵn sàng cho khoảng 3 triệu người Hồng Kông nhập quốc tịch Anh đã đẩy mối quan hệ Anh-Trung Quốc lên một nấc thang căng thẳng mới và thực sự chấm dứt “Kỷ nguyên vàng của mối quan hệ giữa Anh và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới” như cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng ca ngợi.
Thắng lợi của Mỹ?
Việc Anh loại bỏ Huawei ra khỏi mạng viễn thông 5G, theo giới phân tích đây được coi như là một thắng lợi của Mỹ, vì Mỹ đã thuyết phục được nhiều quốc gia không sử dụng Huawei. Nhiều nhà phân tích cho rằng sớm hay muộn Mỹ sẽ rút khỏi khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. Điều này chưa đúng bởi Mỹ tuy có suy yếu đôi chút nhưng những tính toán về địa chính trị, quân sự, kinh tế… vẫn không thay đổi. Do đó, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ NATO, nhưng Mỹ sẽ có những điều chỉnh chiến lược từ chính lực lượng Mỹ đang đóng quân tại các nước NATO và yêu cầu các đồng minh chi thêm tiền tương ứng với ngân sách của các thành viên. Mỹ hiểu rất rõ chính sách của Anh đối với Trung Quốc sẽ là chỉ dấu cho các nước châu Âu khác, nếu Anh chống lại chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc thì các nước châu Âu khác sẽ độc lập hơn trong chính sách với Trung Quốc. Hiện nay, tuy Anh đã rời Liên minh châu Âu (EU) nhưng Anh vẫn là thành viên chủ chốt của NATO nên khi Anh kiên quyết với Trung Quốc chắc chắn các thành viên NATO khác không thể không cân nhắc đưa ra quyết định bởi chiếc ô bảo vệ của Mỹ vẫn rất quan trọng đối với châu Âu không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai lâu dài chưa cường quốc nào có thể thay thế được Mỹ. Mặt khác, trước chính sách ngoại giao ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, liên minh tình báo Five Eyes gồm Mỹ - Anh, Australia, Canada, New Zealand sẽ phối hợp chặt chẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Mỹ liên kết với các nền dân chủ khác và các đối tác khác để kiềm chế những quyết đoán nhiều khi vô lý của Trung Quốc như việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông thông qua cái gọi là đường 9 đoạn.
Quan hệ Anh - Trung Quốc sẽ khó trở lại bình thường. Vấn đề đặt ra là không chỉ cho nước Anh mà còn cả các quốc gia khác làm thế nào có sự cân bằng đúng đắn với tất cả các nước để giữ được độc lập tự chủ và bảo vệ các giá trị của dân tộc, lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.
HẢI HÀ