Dưới triều đại “Lệnh hòa” và sự trị vì của Nhật hoàng mới Naruhito, người dân Nhật Bản đang tràn đầy hy vọng về một đất nước Nhật Bản phát triển và yên bình.
Thái tử Naruhito xuất hiện bên Nhật hoàng Akihito hồi tháng 1.2015. Ảnh: AFP.
Ngày 1.5.2019 tới, Thái tử Naruhito sẽ đăng quang ngôi vị Nhật hoàng, kế nhiệm cha là Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30.4.2019. Kể từ dấu mốc này, đất nước Nhật Bản sẽ bắt đầu một triều đại mới, triều đại Lệnh Hòa (Reiwa). Đây là triều đại thứ 248 trong lịch sử Nhật Bản và là triều đại đầu tiên được truyền ngôi. Người dân Nhật Bản kỳ vọng dưới sự trị vì của Nhật hoàng Naruhito, đất nước Mặt trời mọc sẽ tiếp tục có những thay đổi tích cực, ứng với cuộc sống bình yên, vui vẻ của dân chúng.
Sự kiện Nhật Hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30.4.2019 và Thái tử Naruhito lên kế nhiệm cha mình là một sự kiện trọng đại của đất nước Nhật Bản, bởi Nhật Hoàng Akihito là vị vua đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong vòng 200 năm qua.
Trong lịch sử Nhật Bản, các niên hiệu của triều đại được sử dụng trong suốt thời gian trị vì của một Nhật Hoàng. Niên hiệu đầu tiên của Nhật Hoàng là Taika, bắt đầu từ năm 645. Các niên hiệu trong thời hiện đại gồm Meiji (Minh Trị, 1868-1912), Taisho (Đại Chính, 1912-1926), Showa (Chiêu Hòa, 1926-1989), và gần đây nhất là Heisei (Bình Thành, 1989-2019) dưới sự trị vì của Nhật hoàng Akihito.
Tại Nhật Bản, niên hiệu mới là vấn đề luôn được nhiều người quan tâm vì sẽ được sử dụng trong các cuốn lịch, các tờ báo, và các văn bản chính thức cũng như các chứng chỉ bằng cấp. Các văn bản hành chính, chính sách và hoạt động của người dân hầu hết được tính theo năm của niên hiệu và ít sử dụng năm dương lịch.
Đối với người dân Nhật Bản, trong suốt 30 năm trị vì đất nước, Nhật hoàng Akihito là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Nhật Bản, đồng thời là vị vua luôn được dân chúng yêu mến.
Sinh ngày 23.12.1933, Nhật hoàng Akihito hiện đã ở tuổi 86. Ông là con trai của Thiên hoàng Hirohito và Hoàng hậu Nagako. Trở thành vị hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản sau khi Thiên hoàng Hirohito băng hà vào năm 1989, Nhật hoàng Akihito là một trong những người đứng đầu đất nước tại vị lâu nhất thế giới.
Trong 3 thập kỷ qua, Nhật hoàng Akihito đã cùng đất nước và người dân Nhật Bản đi qua nhiều dấu mốc quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Với một tinh thần trách nhiệm và sự ân cần, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko bằng sự nồng ấm và phẩm giá của mình đã làm cho Hoàng gia trở nên gần gũi hơn với nhân dân.
Trong Hoàng cung, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tổ chức hàng trăm buổi lễ, tiếp kiến, gặp gỡ nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm các quan chức chính phủ, lãnh đạo các địa phương, doanh nhân, nông dân, ngư dân, cán bộ làm công tác xã hội và phúc lợi, học giả và nghệ sỹ. Ngoài ra, Nhà vua và Hoàng hậu còn đi thăm nhiều tỉnh, thành và nhiều đảo ở vùng xa xôi của Nhật Bản. Trong các chuyến đi về địa phương, ngoài việc tiếp xúc với lãnh đạo cộng đồng, Nhật hoàng và Hoàng hậu còn đi thăm các cơ sở phúc lợi, văn hóa và công nghiệp để khích lệ tinh thần người dân địa phương. Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề phúc lợi, và đã đi thăm hàng trăm cơ sở phúc lợi dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật trên khắp đất nước Nhật Bản.
Còn nhớ vào năm 2011, khi đất nước Nhật Bản phải đối diện với nỗi đau về trận động đất sóng thần kinh hoàng làm hơn 20.000 người chết và mất tích, người dân Nhật Bản không thể quên hình ảnh Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đến thăm các trung tâm sơ tán, những nơi bị thiên tai phá hủy, chia sẽ nỗi mất mát với các nạn nhân thiên tai, đồng thời theo dõi sát sao quá trình phục hồi của những vùng đất này trong nhiều năm về sau.
Năm 2015, kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko một lần nữa đến viếng những người đã chết trong chiến tranh, bày tỏ sự chia sẻ, ủng hộ với thân nhân những người đã mất trong chiến tranh và với tất cả những người đã vượt qua gian khó và ủng hộ Nhật Bản trong thời gian khó khăn sau chiến tranh…
Tất thảy những phát ngôn ấn tượng của Nhật hoàng Akihito đều được công chúng Nhật Bản ghi nhớ, trân trọng, và coi đó là động lực tuyệt vời để họ vươn lên trong cuộc sống và chiến thắng những khó khăn phía trước.
Ngoài các hoạt động trong nước, kể từ khi lên ngôi, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko còn thực hiện hoạt động đối ngoại của đất nước, đã đến thăm chính thức gần 30 nước, trong tổng số gần 60 nước Ngài đã đặt chân đến. Tại mỗi nơi ông đặt chân tới, ông đều nhận được sự kính trọng của người dân các nước trên thế giới. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu đến Việt Nam (tháng 3.2017) đã đánh một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.
Với những cống hiến của Nhật hoàng Akihito dành cho đất nước, người dân xứ sở Phù Tang luôn coi Ngài là vị "hoàng đế" vĩ đại. Họ luôn mong Nhật hoàng tại vị lâu hơn nữa và góp phần tạo nên một đất nước Nhật Bản phát triển phồn vinh, bền vững.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 8.8.2016, Nhật hoàng Akihito đã công bố mong muốn thoái vị của mình, với lý do được ông đưa ra là tuổi tác. Nói về mong ước thoái vị, Nhật hoàng Akihito cho hay đó không phải chỉ là một sự "giải thoát" thoải mái cho cá nhân, mà còn muốn tạo ra một thay đổi hợp lý cho luật hoàng gia, tạo sự thoải mái và nhẹ nhõm hơn cho các Nhật hoàng sau này.
Trước mong muốn của Nhật hoàng, ngày 8.12.2017, Nội các Nhật Bản đã chính thức thông qua luật cho phép Nhật hoàng Akhito thoái vị vào ngày 30.4.2019, nhường ngôi cho con trai cả, Thái tử Naruhito, 59 tuổi, vào ngày 1.5.2019.
Lệnh hòa (Reiwa) - Niên hiệu mới, khát vọng mới
Theo truyền thống Nhật Bản, khi Quốc vương thoái vị, Thái tử lên ngôi thì đồng nghĩa với việc mở ra một thời đại phát triển mới cho Nhật Bản, kèm theo đó là một niên hiệu hoàn toàn mới.
Vì vậy, sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị, đánh dấu việc khép lại triều đại “Heisei” (Bình Thành), từ ngày 1.5.2019, Nhật Bản chính thức bắt đầu sử dụng niên hiệu mới là Reiwa (Lệnh hòa), đồng thời đánh dấu thời đại mới dưới sự trị vì của Nhật hoàng Naruhito.
Niên hiệu mới “Lệnh Hòa” có nguồn gốc từ bài thơ về hoa mơ nằm trong tập thơ cổ lâu đời nhất của Nhật Bản “Manyoshu” (Vạn diệp tập), có lịch sử từ hơn 1.200 năm trước, là biểu tượng văn hóa phong phú và truyền thống lâu đời của “đất nước Mặt trời mọc”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một niên hiệu được lấy từ câu ca trong cuốn ca tập cổ của Nhật Bản, thay vì lấy từ văn học cổ Trung Quốc như các triều đại trước.
“Lệnh” ở đây có nghĩa là tôn ti hoặc điềm lành, “Hòa” có thể được hiểu là hòa bình hoặc hài hòa. Giải thích ý nghĩa của việc chọn niên hiệu “Lệnh hòa”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: “Nhật Bản đang đứng trước bước ngoặt to lớn, dù vậy, các giá trị của dân tộc sẽ không thể phai mờ. Lệnh Hòa thể hiện nước Nhật của ngày mai, nước Nhật mà chúng ta muốn xây dựng cho thế hệ tương lai”. Ông Abe cũng cho biết: “Lệnh Hòa có nghĩa là văn hóa được hình thành và phát triển khi mọi người gắn bó và yêu thương lẫn nhau”. Với nhiều người dân Nhật Bản, lựa chọn này còn là một biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc và chủ nghĩa yêu nước.
Nhật hoàng Naruhito (sinh ngày 23.2.1960) được phong là Thái tử vào ngày 23.2.1991, sau khi ông nội ông là Thiên hoàng Chiêu Hòa qua đời ngày 7.1.1989. Ông Naruhito tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ lịch sử ở trường hoàng gia của Nhật Bản - Đại học Gakushuin lần lượt vào các năm 1982 và 1988. Giai đoạn 1983-1985, ông du học ở Vương quốc Anh tại Đại học Merton, Oxford. Trong thời gian này, ông đã viết hồi ký The Thames and I: A Memoir of two years at Oxford (tạm dịch: Sông Thames và tôi: Hồi ký hai năm ở Oxford).
Kế nhiệm cha mình, Nhật hoàng Naruhito được đánh giá là một người kiên nhẫn, biết cảm thông với mọi người và thường xuyên có các hoạt động thăm hỏi các nạn nhân thảm họa thiên tai. Các chuyến đi này cho thấy, ông muốn noi gương cha mẹ mình, những người luôn được ca ngợi vì luôn gần gũi với công chúng. Trong nhiều năm qua, khi còn là Thái tử, ông Naruhito đã thể hiện được tầm nhìn là một vị vua lý tưởng, một người có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dân và luôn gần gũi với họ trong tâm tưởng.
Vì vậy, dưới triều đại “Lệnh hòa” và sự trị vì của Nhật hoàng mới Naruhito, người dân Nhật Bản đang tràn trề hy vọng về một đất nước Nhật Bản phát triển và yên bình. Sự kết thúc của kỷ nguyên này sẽ là mở đầu của một kỷ nguyên mới, đó là vòng tuần hoàn của vạn vật. Một đất nước với nền văn hóa đầy bản sắc cùng thiên nhiên tươi đẹp bốn mùa như Nhật Bản chắc chắn sẽ tiếp tục vững bước vào tương lai. Và mỗi người dân Nhật Bản sẽ giống như bông hoa mơ nở rộ trong mùa xuân sau những ngày đông giá rét. Triều đại “Lệnh Hòa” bắt đầu sẽ củng cố thêm niềm tin rằng mỗi bông hoa sẽ nở thật rực rỡ như tương lai của xứ sở Mặt trời mọc.
Theo TTXVN