Lên mạng bán... hàng nhái

28/04/2021 06:05

Qua theo dõi các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm hàng hóa trị giá lớn.


Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của tài khoản Facebook “Tổng kho Thanh Vân”  

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, kinh doanh qua mạng đã trở thành kênh kinh doanh phổ biến, đem lại hiệu quả cao nhưng còn nhiều lỗ hổng, dễ phát sinh các vi phạm về hàng hóa. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phát hiện nhiều vụ vi phạm thông qua mạng xã hội (MXH).

Những vụ tiêu biểu

Qua theo dõi việc bán hàng trên tài khoản Facebook “Tổng kho Thanh Vân”, nhận thấy có dấu hiệu vi phạm hàng hóa nên ngày 9.4, Đội QLTT cơ động số 5 (Cục QLTT tỉnh) đã phối hợp với Đội 2 Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 158 đường Đoàn Kết (TP Hải Dương). Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh nhưng không đăng ký theo quy định. Hàng hóa kinh doanh tại cửa hàng bao gồm 3.365 sản phẩm giầy dép, hàng gia dụng các loại do nước ngoài sản xuất có giá trị gần 70 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Thanh, chủ cơ sở kinh doanh này không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp. Ông Thanh khai nhận toàn bộ số hàng trên đều được đặt mua trên MXH Facebook, sau khi đưa về kho sẽ giới thiệu, chào bán trên tài khoản Facebook cá nhân. Đội QLTT số 5 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và đang xác minh, xử lý theo quy định.

Cũng thông qua theo dõi hoạt động bán hàng trên Facebook, Zalo, ngày 11.1.2021, Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội QLTT số 3, Đội 2 Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) và Công an xã Thống Kênh (Gia Lộc) kiểm tra cửa hàng AE Shop tại thôn Kênh Triều, xã Thống Kênh. Cửa hàng đang bày bán gần 2.000 sản phẩm quần áo, giầy, ví mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Gucci, Louis Vuitton, Dior... Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chủ cửa hàng này thừa nhận sử dụng Facebook cá nhân “AE Shop” và Zalo để bán số hàng trên.

Tương tự, một vụ kinh doanh hàng nhập lậu “ba không” trên MXH đã bị Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh) phát hiện vào giữa tháng 10.2020. Cụ thể, qua theo dõi trên Zalo, Facebook, cán bộ QLTT nhận thấy kho hàng chứa mỹ phẩm, đồ gia dụng trong cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) có nhiều dấu hiệu vi phạm. Tổ chức khám xét kho hàng này, đội phát hiện gần 3.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, hàng gia dụng nhập lậu không nhãn phụ, không hóa đơn chứng từ, không được khai báo hải quan, kiểm soát ở khâu nhập khẩu. Chủ kho khai nhận số hàng trên được rao bán trên MXH, sau đó thuê chuyển hàng cho người đặt mua.

Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Cục QLTT tỉnh), từ tháng 8.2020 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý gần chục vụ việc vi phạm hàng hóa liên quan đến Facebook, Zalo. Cục QLTT tỉnh đã xử phạt và kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.


Công an, quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng AE Shop

Thâm nhập, truy tìm

Phần lớn MXH là kênh quảng cáo hàng hóa miễn phí, có tính tương tác cao. Người bán chỉ cần đăng tải thông tin, các giao dịch có thể thực hiện thông qua tin nhắn, điện thoại cá nhân giữa hai bên. Việc mua bán được thông qua trung gian thanh toán, vận chuyển. Nhờ đó, các doanh nghiệp chuyển phát, bưu chính, vận chuyển ngày càng phát triển và khó quản lý. Theo nhiều cán bộ QLTT tỉnh, việc xác thực có hay không giao dịch thực tế thông qua MXH gặp nhiều khó khăn. Người mua và người bán không bị phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Hơn nữa, số lượng hàng hóa thực hiện qua một giao dịch thường không lớn.

Nhiều trường hợp bán hàng qua MXH nhưng rất khó để tìm ra kho hàng, nơi cất giấu hàng hóa do không có điểm giao dịch công khai mà chỉ sử dụng MXH để giới thiệu hàng hóa, cung cấp thông tin và thực hiện giao dịch. Có chủ hàng giấu thông tin địa chỉ thật hoặc không chấp nhận giao dịch trực tiếp. Hàng hóa có thể để tại nơi ở hoặc khi lực lượng chức năng xác minh được thì chủ hàng hoặc kho hàng thuộc địa bàn tỉnh, thành phố khác. “Để phát hiện các vụ vi phạm hàng hóa qua MXH, lực lượng chức năng phải theo dõi thường xuyên, sử dụng tài khoản giả làm người mua hàng. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ để lấy được thông tin, địa chỉ thật của người bán”, ông Mạc Văn Phú, Đội trưởng Đội QLTT số 5 cho biết.

Thương mại điện tử có tính năng ưu việt, thiết thực và là xu thế phát triển tất yếu trong kinh doanh hiện nay. Dù vậy, nhiều vụ việc lợi dụng các trang thương mại điện tử, MXH để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây cho thấy những lỗ hổng trong quản lý hoạt động kinh doanh bằng hình thức này. Thực tế, khi mua hàng qua MXH, rủi ro của người tiêu dùng rất lớn, cần có các công cụ quản lý đủ mạnh để quản lý hiệu quả hoạt động này.

LAN NGUYỄN - VŨ HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lên mạng bán... hàng nhái