Lễ hội tháng giêng

20/02/2011 00:22

“Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Không biết từ bao giờ, câu ca dao này đã đi vào tâm thức người Việt như một nét văn hóa? Phải chăng lý do là, trong tháng giêng có rất nhiều lễ hội để mọi người vui chơi và du ngoạn, thưởng thức tiết trời thuận hòa, cây cỏ sinh sôi, là cơ hội nghỉ ngơi sau một năm vất vả, cầu mong một năm mới bình an hạnh phúc.

Quả vậy. Mùa x­uân có chút nắng hanh vàng ấm áp hay làn mưa phùn bay bay chỉ đủ nên thơ chứ không đủ ướt áo thường mang đến một cảm xúc rất đặc biệt trong lòng người. Đó là cảm nhận về hương vị Tết, về những may mắn và mong ước đầu xuân trong câu chúc Tết cửa miệng của người Việt: sức khỏe, tài lộc, an khang; hương thơm nén nhang trên bàn thờ tiên tổ thoang thoảng gian nhà kết nối quá khứ với hiện tại, về không khí lễ hội vừa linh thiêng vừa sôi nổi, lưu giữ truyền thống cho cháu con đời đời. Người ta gác lại bộn bề công việc, lo âu toan tính của năm cũ để thảnh thơi, tận hưởng không gian trong lành, tươi mới.

Sau một năm lao động vất vả, lễ hội mang đến cho con người không chỉ sự thoải mái về tinh thần qua các trò chơi dân gian ở phần hội mà còn sự kết nối với truyền thống tốt đẹp của ông cha ở phần lễ. Đó là những nét đẹp văn hóa mà thế hệ ngày nay có trách nhiệm bảo tồn và phát huy. Xứ Đông quê ta còn lưu giữ được nhiều lễ hội truyền thống: lễ hội chùa Bạch Hào (Thanh Xá, Thanh Hà) mồng 5, 6 tháng giêng, lễ hội truyền thống làng tiến sĩ Mộ Trạch (Tân Hồng,  Bình Giang) mồng 8 tháng giêng, hội làng Thượng Cốc (Thượng Cốc, Gia Lộc) 12 tháng giêng, lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 15, 16, 17 tháng giêng, lễ hội Đền Cao 22, 23, 24 tháng giêng... Nhắc đến các lễ hội ở Hải Dương phải kể đến lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Di tích Côn Sơn là một trong những nơi phát tích Thiền phái Phật giáo Trúc L­­­­­­âm thời Trần. Địa danh này gắn bó cuộc đời của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc hiện còn lưu giữ được nhiều dấu tích văn hoá đời Trần và những giai đoạn lịch sử kế tiếp như chùa Côn Sơn, Giếng Ngọc, Bàn Cờ Tiên, Ngũ Nhạc Linh Từ, Thạch Bàn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Đức Thánh Trần- đức Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn. Du khách về đây được thưởng thức biểu diễn văn nghệ, múa rồng và lễ rước nước từ hồ Côn Sơn về chùa Côn Sơn-nghi lễ quan trọng và là nét đẹp văn hóa đặc trưng của lễ hội. Ngoài ra là các nghi lễ dâng hương tại đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi, lễ khai mạc hội xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc, lễ dâng hương tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Huyền Quang tôn giả, lễ đàn Mông Sơn thí thực, lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc. Bên cạnh phần lễ là các hoạt động văn hóa thể thao như hát quan họ, hát chèo, đu tiên, đấu vật, cờ người, chọi gà, rối nước... Ngoài lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc, nhiều lễ hội khác cũng rất thú vị.

Mùa xuân là mùa bắt đầu của năm mới cũng là lúc trời đất thuận hòa, vạn vật sinh sôi, cây cối tốt tươi - là cơ sở để người ta hy vọng một năm mới vạn sự như ý, thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đây cũng là thời gian có nhiều lễ hội nhất trong năm, lúc người ta nghỉ ngơi sau năm cũ vất vả, chào đón xuân mới. Và thế hệ chúng ta ngày nay phải có trách nhiệm gìn giữ những lễ hội mùa xuân nhằm kết nối truyền thống với hiện đại, lưu giữ nét đẹp văn hóa của cha ông ngàn đời.


Tản bút củaNGUYỄN VIỆT QUỲNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội tháng giêng