Đó là các dự án luật: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ngày 22- 2, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến tham gia vào 3 dự án luật: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Các đại biểu cơ bản thống nhất về bố cục, nội dung, số lượng chương, điều của 3 dự thảo luật.
Đối với dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu đều nhất trí việc ban hành luật là cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, đồng thời tăng cường cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đối với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần quy định rõ việc không được san lấp toàn bộ diện tích của hồ, ao công cộng, đầm để xây dựng công trình có diện tích “lớn” là bao nhiêu? (trong mục 6 điều 26); gộp điều 26 về “Phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…” với điều 27 về “Phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm” thành điều chung là “Bảo vệ tài nguyên nước”.
Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nên giữ nguyên quy định về thời gian làm thêm không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Cần quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, cơ sở xác định mức lương theo vùng, ngành nghề để trả lương cho người lao động. Luật cũng cần quy định rõ hơn về cơ chế hòa giải của tổ chức công đoàn khi xảy ra tranh chấp, đình công. Tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ lên 6 tháng...
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu những ý kiến đóng góp, tổng hợp và gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
PV