Lấy Cần làm gốc

16/01/2013 15:36

Ngày 16-1-1960, báo Nhân dân đăng bài viết của Bác Hồ “Lấy Cần làm gốc”, ký bút danh C.K.


Người giải thích một cách vắn tắt về chủ nghĩa xã hội và kết luận: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lấy Cần làm gốc. Cần là lao động: lao động cần cù và sáng tạo. Năng suất lao động ngày càng tăng là nguồn no ấm của chúng ta”.

Theo Bác Hồ, Cần “tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai”; “Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài”. Bác cũng đã phân tích mặt đối lập của Cần, đó là lười biếng: “Lười biếng là kẻ địch của chữ Cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”.

Cần là một thuộc tính, phẩm chất của đạo đức cách mạng. Giá trị xã hội và sức lan toả “cộng hưởng” của chữ Cần được Bác khái quát như sau: “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”.

Theo Bác Hồ chữ Cần không chỉ là chăm chỉ, siêng năng mà bao giờ cũng gắn với trí sáng tạo, phương pháp, lề lối làm việc khoa học, chủ động trong việc sắp xếp công tác hợp lý, khoa học: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”.

“Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích”. Bác còn chỉ dẫn phương thức, cách thực hiện Cần. Người yêu cầu: “Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần”.

Trong hệ giá trị cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, theo Bác Hồ, Cần thẩm thấu, chi phối, tác động biện chứng trong chuỗi giá trị văn hoá đạo đức cách mạng mà người cộng sản phải luôn hội đủ “Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính”.

Trong điều kiện đất nước hiện nay, mỗi người Việt Nam không được phép quên đi truyền thống cần cù đã có bao từ đời nay của dân tộc, không được phép quên đi lời dạy “Lấy cần làm gốc” của Người. Nó còn tăng thêm nội lực cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

HOÀNG YẾN
(biên soạn)

(0) Bình luận
Lấy Cần làm gốc