Với phương pháp "lấy cá nuôi cá", người dân tại các vùng nuôi cá lồng không chỉ giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn có thêm một khoản thu nhập khá.
Nhiều hộ nuôi cá lồng tận dụng lượng cá chết làm nguồn thức ăn cho các loại cá khác
Sinh lời từ cá chếtNuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với thả ao bởi nguồn nước nuôi lưu thông nên cá ít bị dịch bệnh. Thấy lợi nên hiện nay người dân ồ ạt mở rộng diện tích nuôi. Điều này vô hình trung đã biến thế mạnh vốn có của hình thức nuôi cá này trở thành điểm yếu.
Cá lồng được nuôi với mật độ dày đặc, các lồng đặt sát nhau, cùng với những thay đổi theo hướng bất lợi của thời tiết đã làm giảm ô xy trong nước, khiến cá chết nhiều ngày càng phổ biến. Đối với những hộ nuôi cá lồng ở huyện Nam Sách, nơi có số lượng lồng cá nhiều nhất tỉnh, việc phải thu gom hàng tạ cá chết trong ngày không còn là chuyện hiếm, nhất là vào thời điểm nắng nóng. Việc xử lý cá chết không tốt, có hộ vứt cá ra sông trôi theo dòng nước làm ô nhiễm nguồn nước và lây lan mầm bệnh trên diện rộng. Một số hộ cẩn thận hơn thì đào hố chôn, nhưng cũng chỉ là cách làm tạm thời bởi diện tích đất không nhiều trong khi phải mất công vận chuyển. Có hộ phải thuê máy xúc để chôn lấp. Lợi nhuận chưa thấy đâu đã phát sinh thêm một gánh nặng mới nên nhiều hộ có ý định bỏ nghề vì sợ thua lỗ.
Trước thực tế này, một số gia đình đã tận dụng chính lượng cá chết để làm nguồn thức ăn nuôi các loại cá khác. Dựa vào đặc tính của các loại cá, bên cạnh thâm canh cá điêu hồng, lăng, trắm, chép giòn, nhiều hộ còn đóng thêm vài lồng để nuôi các giống cá có thể ăn động vật như cá chim, cá trê lai... Gia đình anh Nguyễn Văn Tảo ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách) có 45 lồng cá trên sông Kinh Thầy. Mỗi ngày, anh phải thu gom từ 5-10 kg cá chết, lúc nhiều đến gần 1 tạ. Thấy lãng phí, anh làm thêm 2 lồng nhỏ nuôi cá chim vì đây là loại cá ăn tạp, có thể ăn được cá chết, lại được thương lái ưa chuộng. Sau khi nuôi vài tháng, anh nhận thấy tập tính của cá chim là ăn rỉa nên không ăn hết xác cá, do đó tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng tới các lồng cá khác. Mặt khác, cá chim có răng sắc, thường xuyên cắn đứt lưới, thoát ra ngoài gây thất thoát. Sau khi tìm hiểu và học hỏi các hộ xung quanh, anh chuyển sang thả cá trê lai. Cá trê lai có khả năng thích ứng nhanh với môi trường, háu ăn nên lượng thức ăn không bị dư thừa. Với 2 lồng nuôi, mỗi năm, anh Tảo xuất bán 4 tấn cá trê lai với giá bán từ 18.000-20.000 đồng/kg, thu lãi hơn 100 triệu đồng trong khi không mất chi phí thức ăn cho cá. Anh Tảo cho biết: "Nuôi thêm cá trê lai, chúng tôi vừa có thêm thu nhập, vừa xử lý được lượng cá chết ngay tại chỗ, không tốn thời gian, công sức như trước. Hơn nữa, môi trường nước cũng bảo đảm hơn để những lồng cá khác có thể sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Một công đôi việc nên các hộ làm theo nhau. Một vài gia đình còn mở rộng mô hình này bằng cách xin cá chết của các nhà bên cạnh, dùng thuyền máy đi dọc lồng cá để vừa thu gom cá chết, vừa vớt rác thải trên sông".
Mặc dù có kinh nghiệm nuôi cá lồng từ lâu nhưng anh Trần Đăng Đạt ở thôn Mức Cầu, xã Thái Tân (Nam Sách) cũng từng đau đầu để tìm cách xử lý cá chết. Có 70 lồng cá trên sông Thái Bình, mỗi ngày anh Đạt phải thu gom ít nhất 20 kg cá chết. Khi có dịch bệnh, lượng cá chết lên tới hàng tạ, hàng tấn. Sau nhiều lần loay hoay tìm giải pháp an toàn, có thể thực hiện lâu dài, anh Đạt đã quyết định đầu tư thêm 40 triệu đồng, đóng 2 lồng bè mới nuôi cá trê lai. "Trước đó, tôi đã tính toán sử dụng lượng cá chết làm thức ăn nuôi cá lăng đen vì loại cá này cũng có tập tính ăn động vật. Nhưng cá lăng ăn không gọn, lại kén thức ăn nên đây không phải là cách làm tối ưu. Từ cuối tháng 3 năm nay, khi được anh em trong nghề giới thiệu về cá trê lai, tôi đã thử nghiệm giống cá này. Mặc dù hiện tại, cá chưa cho thu hoạch nên không biết lời lãi thế nào nhưng từ thời điểm đó đến nay, tôi không phải lo tìm cách xử lý cá chết, thậm chí còn phải xin thêm của những hộ xung quanh mang về làm thức ăn cho trê lai", anh Đạt cho biết.
So với các giống cá khác, cá trê lai có giá bán thấp, chỉ bằng 1/5 nhưng lại tận dụng được cá chết nên hiện nay đa số các hộ nuôi cá lồng đều dành vài lồng nuôi cá trê lai.
Giảm ô nhiễm môi trường
Nhờ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cá ít bị dịch bệnh nên sản lượng thu hoạch cao hơn
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.122 lồng cá, trong đó riêng xã Nam Tân (Nam Sách) có khoảng 1.400 lồng. Mật độ cá ở mỗi lồng khoảng 100 m3 tương đương với 1 ha ao nuôi. Trong quy trình nuôi cá lồng, chưa kể dịch bệnh phát sinh, các lồng cá khi cho thu hoạch đạt từ 80-85% số lượng cá so với ban đầu là đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày nếu tính chung toàn tỉnh sẽ có khoảng vài tấn cá lồng chết do đặc tính sinh trưởng, còn do dịch bệnh thì có thể gấp nhiều lần. Nếu vứt cá trôi sông như trước kia, người nuôi càng thêm thua thiệt bởi nguồn nước sẽ càng ô nhiễm, cá chết càng nhiều. Từ khi lượng cá chết được sử dụng làm thức ăn, người nuôi không chỉ bớt vất vả hơn mà còn có thêm thu nhập, đồng thời góp phần cải thiện môi trường nước.
Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, các loại cám cá hiện nay đều ở dạng hỗn hợp, nổi trên mặt nước nên người dân có thể dễ nhận biết để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, không để dư thừa cám ít gây ô nhiễm môi trường. Do đó, xử lý cá chết không đúng cách mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Từ khi các hộ nuôi cá lồng tận dụng cá chết làm thức ăn cho cá thì chất lượng nước được cải thiện hẳn. Gần đây, chi cục thường xuyên lấy mẫu nước ở trong và ngoài lồng để kiểm định, nhất là vào thời điểm nước cạn. Chất lượng nước vẫn bảo đảm yêu cầu. Đây là tín hiệu khả quan đối với môi trường nước vùng nuôi cá lồng.
Hiện nay, các hộ nuôi cá lồng thường tận dụng cá chết làm thức ăn theo 2 cách. Có hộ thu gom rồi nấu ủ với men sau đó trộn với cám, ngô cho cá ăn. Đây là loại thức ăn nhiều dinh dưỡng, thích hợp với mọi loại cá. Thức ăn có thể giữ được từ 6-8 tháng. Do cách làm này đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu nên ít người thực hiện. Đa phần các hộ nuôi thêm trê lai và sử dụng cá chết để cho ăn trực tiếp. Tuy nhiên, một số hộ vẫn còn chủ quan bởi cá chết phần lớn do dịch bệnh, nếu không qua sơ chế, mầm bệnh sẽ tiếp tục lây lan. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, trước khi cho cá ăn, người nuôi nên mổ bỏ ruột, cắt nhỏ cá và ngâm nước muối.
Tận dụng cá chết làm nguồn thức ăn mang lại nhiều lợi ích cho các hộ nuôi cá lồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, người nuôi cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật nhằm giảm thiểu tình trạng cá chết.
DŨNG CƯỜNG