Bằng sự năng động và mạnh dạn, anh Quang đã cải tạo thành khu vườn cây trái xanh tươi, tổng thu nhập mỗi năm đạt khoảng 300 triệu đồng.
Anh Quang chăm sóc ổi
Được sự giới thiệu của Huyện đoàn Thanh Hà, chúng tôi về thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt để tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế của chàng thanh niên 30 tuổi Nguyễn Đức Quang, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã Tân Việt.
Năm 2006, anh Quang được bố mẹ cho 7 sào vườn để lập nghiệp sau khi xây dựng gia đình. Trong quá trình làm kinh tế, thực hiện việc "dồn điền, đổi thửa", anh đã mua thêm ruộng của các hộ lân cận, sau đó thuê người bơm bùn lập vườn trồng cây, đào ao thả cá và xây dựng 20 ô chuồng trại chăn gà, lợn. Với 3 mẫu vườn, anh quy hoạch thành 2 ao thả cá rộng 1 mẫu chuyên thả rô phi, trắm cỏ; trên là dãy chuồng trại chăn gà, lợn. 2 mẫu vườn còn lại chuyên trồng ổi. Để có thêm kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi, anh Quang tích cực tham dự các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất. Trong quá trình trồng ổi, anh mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật để ổi cho ra quả trái vụ. Anh Quang cho biết: Để ổi ra quả trái vụ và thu hoạch vào tầm tháng 10, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 âm lịch hằng năm, phải tiến hành bấm ngọn cho cây ổi, tùy theo từng độ tuổi của cây, anh có chế độ chăm sóc riêng, đối với những cây ổi trưởng thành cần nhiều lượng đạm và lân để kích thích cây ra hoa vào đúng dịp. Đặc biệt là phải nắm được các loại sâu bệnh gây hại trên cây ổi để phun trừ kịp thời. Với cách làm như vậy, hằng năm anh đã xuất ra thị trường hàng chục tấn ổi.
Từ mảnh đất hoang hóa, cấy lúa kém hiệu quả, bằng sự năng động và mạnh dạn, anh Quang đã cải tạo thành khu vườn cây trái xanh tươi, tổng thu nhập mỗi năm đạt khoảng 300 triệu đồng. Có thu nhập, anh lại đầu tư tái sản xuất. Anh Quang mong muốn được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa.
NGỌC HÀ