Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều phóng viên báo chí không quản ngại vất vả, sẵn sàng vào vùng tâm dịch, phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch.
Nhiều phóng viên "nằm vùng" ở địa phương có dịch để đưa thông tin nhanh nhất có thể. Trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở xã Lê Lợi (Chí Linh)
Vượt khó tác nghiệp
Hải Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của cả 4 đợt dịch Covid-19. Trong đó, đợt dịch thứ ba vừa qua, tỉnh ta là tâm dịch, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều phóng viên báo chí cả Trung ương và địa phương đã đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí là nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp nơi tâm dịch.
Ngày 27.1, nghe tin tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP Chí Linh, anh Nguyễn Văn Dương (bút danh Nguyễn Dương), phóng viên thường trú khu vực Đông Bắc Tạp chí điện tử Zing.vn đã về "nằm vùng" tại địa phương. Đi cùng anh Dương có 1 đồng nghiệp phụ trách chụp ảnh. Để có thể phản ánh kịp thời diễn biến dịch bệnh, anh Dương phải sẵn sàng tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Đó có thể là khu vực hành lang của Bệnh viện dã chiến, cổng khu cách ly tập trung hay ngay bên đường của khu dân cư phong tỏa. "Làm báo điện tử khối lượng công việc phải xử lý nhiều, để bảo đảm tuyên truyền kịp thời theo yêu cầu, tôi phải kiêm nhiều thể loại như viết tin, bài, làm video... Thời điểm đó, tình hình dịch ở Hải Dương diễn biến nhanh, từ Chí Linh lan ra các địa phương khác, tôi và đồng nghiệp phải làm việc không ngừng nghỉ kể cả ngày đêm. Có lúc mệt quá chỉ dám chợp mắt một chút rồi lại dậy làm tiếp", anh Dương chia sẻ.
Lúc dịch bùng phát mạnh ở Hải Dương cũng là thời điểm Tết Nguyên đán. Không ít phóng viên từ tỉnh ngoài khi về Hải Dương phản ánh tình hình dịch đã phải ở lại đón Tết trên vùng đất xứ Đông. Nhà báo Ngô Anh Văn, Trưởng Ban Xã hội - Bạn đọc, Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) ấn tượng nhất khi vào tâm dịch ở Hải Dương là lần đầu tiên anh đón giao thừa ở nơi xa trong lúc đang làm nhiệm vụ. Song thay vì cảm giác buồn khi phải xa nhà vào lúc giao thừa, anh Văn bị cuốn đi cùng công việc. Tối giao thừa cũng là lúc chuyên gia Bộ Y tế họp bàn tại Bệnh viện dã chiến đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh. Sau cuộc họp, anh Văn phải viết bài để kịp chuyển về tòa soạn. Cứ thế xong công việc trời cũng gần sáng.
Để phản ánh kịp thời tình hình dịch bệnh, phóng viên địa phương cũng đối mặt với không ít khó khăn. Anh Nguyễn Tiến Mạnh, phóng viên Báo Hải Dương chia sẻ thời điểm dịch xảy ra ở TP Chí Linh, anh phải thường xuyên ăn ngủ tại đây để đưa tin. Do dịch diễn biến nhanh nên cường độ công việc nhiều. Có hôm anh Mạnh phải làm đến 3 giờ chiều mới nghỉ ăn cơm trưa. Nói là ăn cơm nhưng thời điểm đó TP Chí Linh đã phong tỏa, các quán cơm đóng cửa, anh Mạnh chỉ mua được bánh mỳ và sữa đặc ăn cùng. "Lúc đó, tôi đang ngồi ăn tại phòng tiếp nhận ủng hộ phòng chống dịch của TP Chí Linh thì một thành viên trong tổ phòng chống dịch Covid-19 của thành phố nhìn thấy. Họ đã san sẻ cho tôi một phần suất ăn của mình khiến tôi cảm động", anh Mạnh nói.
Thông tin nhanh, đa chiều
Bù lại những vất vả ấy, các phóng viên ở vùng tâm dịch đã phản ánh thông tin nhanh chóng, chính xác về tình hình dịch bệnh. Anh Dương cho biết chỉ có thể vào vùng tâm dịch, anh và đồng nghiệp mới có những bài báo hấp dẫn, chân thực về hoạt động chống dịch ở địa phương. "Không chỉ đưa tin về tình hình dịch bệnh, chúng tôi có những bài phỏng vấn các chuyên gia y tế, lãnh đạo địa phương về phương án, cách thức phòng chống dịch như thế nào cho phù hợp. Đặc biệt đã lột tả được sự vất vả của các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Nếu như không vào tâm dịch chắc chắn chúng tôi sẽ không có được những thông tin đa chiều như thế", anh Dương cho biết thêm.
Đợt dịch xảy ra tại TP Chí Linh là thử thách không nhỏ đối với những người làm công tác tuyên truyền ở địa phương này. Họ luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ tuyên truyền, công suất làm việc gấp mấy lần ngày thường. Anh Phương Văn Kiên, phóng viên Đài Phát thanh Chí Linh cho biết: "Có đêm thành phố di chuyển hàng nghìn công nhân về nơi cách ly tập trung, chúng tôi phải đến phản ánh. Rồi khi lấy mẫu trong khu dân cư ở nơi vùng xa, chúng tôi cũng vác máy quay đi bộ cả tiếng đồng hồ. Thời điểm đó dù là mùa lạnh nhưng nhiều người vẫn ướt sũng mồ hôi vì mệt. Tuy nhiên, qua đợt tuyên truyền, các phóng viên đài địa phương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Đó là sự chủ động trong công việc, tác phong làm việc chuyên nghiệp, đặc biệt là nâng cao tính thời sự cho các tin, bài, có cái nhìn đa chiều hơn đối với các vấn đề cần tuyên truyền".
THANH NGA