Lao động xuất khẩu Hàn Quốc bỏ trốn

07/08/2022 15:34

Lao động sang nước ngoài, nhất là Hàn Quốc làm việc rồi bỏ trốn, phá hợp đồng cam kết, lưu trú bất hợp pháp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng của Hải Dương luôn hiện hữu.


Tuyển chọn kỹ và nâng mức ràng buộc khi lao động sang Hàn Quốc làm việc là một trong những biện pháp hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn và lưu trú bất hợp pháp

"Quýt làm cam chịu"

Đầu tháng 7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của nước ta, trong đó có TP Chí Linh. Nếu Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động của TP Chí Linh trong năm 2023 sẽ tước đi cơ hội sang nước này làm việc của nhiều người lao động (NLĐ) sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Anh Phạm Văn Hội ở phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) rất lo lắng khi đã hoàn tất hồ sơ, giấy tờ và học xong tiếng Hàn nhưng chưa biết khi nào anh mới được đi. “Phía Hàn Quốc chỉ mở cửa đón lao động của TP Chí Linh sang làm việc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2004) khi số lao động lưu trú bất hợp pháp của địa phương về nước hết vào cuối năm nay. Nếu họ không về cũng có nghĩa cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của tôi đổ bể. Đúng là quýt làm cam chịu”, anh Hội nói.

Hậu quả do lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã thấy rõ. Vài năm trước, một số địa phương khác trong tỉnh cũng từng bị yêu cầu dừng xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang đây do có quá nhiều lao động bỏ trốn, không về nước đúng thời hạn. Mấy năm gần đây, có thời điểm Hàn Quốc chỉ ký thỏa thuận tuyển dụng thời hạn 1 năm/lần đối với lao động làm việc theo chương trình EPS. Họ cũng từng cảnh báo cánh cửa XKLĐ sang Hàn Quốc sẽ khép lại nếu Hải Dương còn nhiều lao động cố thủ ở lại nước này. NLĐ bỏ trốn và làm chui tại Hàn Quốc cũng phải đối diện với nhiều rủi ro. Anh N. T. T. ở xã Quang Minh (Gia Lộc) đã từng bỏ trốn ra ngoài làm việc và trở thành lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc nay đã về nước cho biết: "Nghe bạn trốn ra ngoài làm việc tưởng được hưởng lương cao hơn nhưng chỉ được vài tháng rồi ông chủ lại viện cớ để giảm lương, cắt thưởng và làm việc trong nhà xưởng chật chội, bí bức. Tôi luôn phải sống chui lủi như người phạm tội vì sợ bị trục xuất về nước bất cứ lúc nào và sẽ không còn cơ hội sang Hàn Quốc làm việc lần thứ hai".

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh có hơn 700 lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS nhưng không về nước đúng thời hạn và trốn ở lại, lưu trú bất hợp pháp. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc và TP Chí Linh. 6 tháng đầu năm nay, riêng TP Chí Linh có trên 70 lao động lưu trú bất hợp pháp tại nước này. Địa phương này đã bị liệt vào "danh sách đen” cấm lao động tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2023 (trừ lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp) nếu số lao động đang cư trú bất hợp pháp không về nước trong năm nay. Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh dù không vượt quá số lượng bị cảnh báo nhưng số lao động cư trú bất hợp pháp vẫn còn nhiều và về nước khá ít.  


Trung tâm Dịch vụ vệc làm Hải Dương phối hợp tổ chức phiên giao dịch kết nối tìm việc cho những lao động từ Hàn Quốc về nước đúng hạn (ảnh tư liệu)

Tuyển chọn kỹ

Theo ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh), có 2 dạng lao động lưu trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Một là những người đã ký hợp đồng dài hạn nhưng chấp nhận mất tiền đặt cọc trốn ra ngoài làm để hưởng mức lương cao hơn do không phải đóng thuế, bảo hiểm. Hai là những người sắp hết hạn hợp đồng ra ngoài không muốn về nước ngay để kiếm thêm tiền. Trường hợp thứ hai chiếm số lượng nhiều hơn. Cũng theo ông Thái, mức thu nhập cao tại Hàn Quốc là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động không muốn về nước đúng hạn. 

Ðể khắc phục tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã cùng các địa phương gửi thư đến từng gia đình có NLĐ đang lưu trú bất hợp pháp để vận động họ về nước. Sở tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm cho lao động Hàn Quốc về nước đúng hạn để họ có cơ hội tìm được việc làm tốt; tổ chức các cuộc thi tiếng Hàn cho NLĐ về nước đúng hạn giúp họ có thể trở lại làm việc nếu có nhu cầu.

Tuy nhiên, những cách làm trên vẫn chưa phát huy hết tác dụng khi số lượng lao động lưu trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn còn nhiều và ít người về nước đúng hạn. Theo chị Mạc Thị Thủy, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty CP Nhân lực Kiyokawa (ở phường Tân Bình, TP Hải Dương), để khắc phục tình trạng này cần siết chặt quy định tuyển chọn lao động; nâng mức xử phạt không chỉ đối với doanh nghiệp có lao động bỏ trốn mà áp dụng cho cả NLĐ. Chị Thủy cho rằng giải pháp căn cơ là nâng thời hạn hợp đồng XKLĐ từ 3 năm lên 5-10 năm.

Việc giám sát các doanh nghiệp phía Hàn Quốc sử dụng lao động Việt Nam cũng rất cần thiết. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho NLĐ khi họ trở về nước đúng hạn cũng rất quan trọng. Khi họ về nước đúng hạn có việc làm ổn định, thu nhập tốt thì cũng sẽ không phải trốn chui, trốn lủi nước bạn để làm việc. 

 HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động xuất khẩu Hàn Quốc bỏ trốn