Nhiều lao động lớn tuổi bị thất nghiệp không chỉ đẩy kinh tế gia đình họ rơi vào cảnh bấp bênh mà còn tạo áp lực lên chính sách an sinh xã hội.
Nhiều lao động trung niên khó tìm việc làm do doanh nghiệp chỉ tuyển dụng người từ 18-35 tuổi
Hiện nay, nhiều người từ 40 tuổi trở lên thất nghiệp hoặc phải chật vật đi tìm việc làm do hầu hết các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động từ 18-35 tuổi.
Nhiều người mất việc
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng giảm, ít việc, không thể khắc phục được khó khăn nên tháng 8 vừa qua, 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất giầy da ở xã Bình Xuyên (Bình Giang) thông báo giải thể. Hàng nghìn lao động phải nghỉ việc, trong đó có chị Nguyễn Thị Bẩy (45 tuổi) ở xã này. Chị Bẩy cho biết đã nộp hồ sơ tìm việc đến 5 doanh nghiệp khác nhau, nhưng một số công ty không nhận do chị đã quá độ tuổi. Thất vọng nhưng vẫn phải làm việc để có thu nhập nên mới đây chị xin vào một xưởng sản xuất gần nhà làm thời vụ với mức lương thấp. "Tôi đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và mong sớm nhận được tiền để vơi bớt khó khăn trong giai đoạn này”, chị Bẩy nói.
Từ tháng 5 đến nay, chị Ngô Thị Thập, 45 tuổi, ở xã Hồng Phong (Nam Sách) cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Trước đó, chị Thập làm việc cho 1 doanh nghiệp ở TP Hải Dương. Tháng 5 vừa qua, công ty này đột ngột thông báo chị phải nghỉ việc. Khi hỏi lại, phía doanh nghiệp trả lời do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ít việc nên những lao động nhiều tuổi như chị phải nghỉ đầu tiên. Từ khi nghỉ việc đến nay, chị đã nộp hồ sơ vào nhiều công ty nhưng cũng nhận được câu trả lời chị thuộc trường hợp quá tuổi so với quy định tuyển dụng. Chị Thập cho biết không chỉ riêng chị mà trong tổ sản xuất còn nhiều chị em khác đã lớn tuổi phải nghỉ việc và chưa tìm được công việc mới. Chị đã nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp và đến nay đã 2 lần nhận được tiền nên phần nào vơi bớt khó khăn.
Theo chị Bẩy, chị Thập, còn nhiều lao động ở độ tuổi trung niên không tìm được việc làm tại các doanh nghiệp nên đành phải ở nhà làm nội trợ, trông cháu... Nếu làm trong doanh nghiệp lương sẽ ổn định và cao hơn, được hưởng nhiều phúc lợi nên các chị vẫn mong chờ cơ hội có một công việc phù hợp với độ tuổi của mình tại một công ty nào đó.
Với những lao động trung niên mà không được doanh nghiệp tiếp nhận sẽ rất khó khăn. Họ sẽ chịu nhiều thiệt thòi như không được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, kéo theo việc không đủ điều kiện hưởng lương hưu sau này.
Trong 9 tháng đầu năm, số lượng lao động thất nghiệp nộp hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) để đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 64% so với cùng kỳ năm 2019. Đến ngày 25.9, có trên 13.600 người đăng ký tìm việc làm tại trung tâm, trong đó 45% số lao động trung niên, tỷ lệ có việc làm chỉ dưới 5%.
Một lao động trung niên tìm kiếm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội)
Không phân biệt đối xử
Lao động trung niên chiếm khoảng 20-30% trong tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Trên những trang tìm việc làm tại Hải Dương, các công ty đều đưa ra độ tuổi tuyển dụng từ 18-35, chỉ có số ít doanh nghiệp tuyển người từ 40-45 tuổi. Hầu hết các công ty đều từ chối lao động trên 40 tuổi vì cho rằng họ không đủ sức đảm đương công việc.
Thực tế cho thấy, lao động trung niên dần bị các doanh nghiệp tìm cách sa thải nhằm giảm chi phí tiền lương, tiền đóng bảo hiểm cho người có thâm niên. Nhiều doanh nghiệp dần sa thải những người này bằng cách chuyển họ sang công việc nặng nhọc hơn, giảm ngày công lao động... khiến lao động tự nghỉ việc.
Đại diện một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) cho rằng lao động trẻ chiếm nhiều ưu thế nhưng lao động lớn tuổi lại có những thế mạnh khác như kinh nghiệm, sự tập trung, chính xác trong thời gian, công việc. Do thời gian gắn bó lâu nên họ đã hiểu văn hóa doanh nghiệp. Giữ chân hoặc tuyển lao động lớn tuổi sẽ giúp công ty không phải đào tạo, họ còn chia sẻ kinh nghiệm cho lao động trẻ. Các doanh nghiệp không nên phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động; cần cho họ cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống, cho xã hội do phải trợ cấp thất nghiệp. Còn với các cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động nên có giải pháp như ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Trong đó, phải có các điều khoản có lợi cho người lao động, đặc biệt là điều khoản chống lại việc chấm dứt hợp đồng đối với lao động trung niên.
Theo Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Việc làm năm 2015, việc từ chối tuyển dụng người lao động tuổi trung niên là hành vi phân biệt đối xử, vi phạm pháp luật trong tuyển dụng lao động.
THẾ ANH