Trong khi nhiều người bỏ tiền học nghề để kiếm “cần câu cơm”, thì những lao động thất nghiệp (đang hưởng trợ cấp) lại thờ ơ trước cơ hội được học nghề miễn phí.
Người lao động thất nghiệp đang tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm
3 năm không có ai đăng ký học nghềHiện nay, tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm trong tỉnh ngày càng gia tăng, số lao động đăng ký thất nghiệp ngày càng đông. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có trên 15 nghìn lao động mất việc, thiếu việc làm, trong đó có trên 14 nghìn lao động thuộc các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trong 9 tháng qua, có hơn 5.000 người đến đăng ký thất nghiệp, cao hơn số lao động đăng ký thất nghiệp của các năm trước (năm 2010 có 1.448 người, năm 2011 có 3.506 người). Trước tình trạng trên, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đối với lao động thất nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ dạy nghề. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) hỗ trợ dạy nghề cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hỗ trợ học nghề cho đối tượng này bằng mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp. Thời gian hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề nhưng không quá 6 tháng. Trung tâm đã tích cực tuyên truyền đến người lao động bằng nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm, người lao động đến đăng ký thất nghiệp và tuyên truyền thông qua trang web của trung tâm, phát tờ rơi, tờ gấp, thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, 3 năm qua vẫn không có lao động thất nghiệp nào đăng ký học nghề.
Nhiều bất cậpÔng Mạc Văn Quang, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: "Nhiều doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông vào đều tổ chức hướng dẫn, dạy nghề và trong thời gian học nghề, lao động vẫn được trả lương. Với mức thu nhập của công nhân cũng chỉ đủ sinh sống nên chưa có tích lũy, hơn nữa trợ cấp thất nghiệp cũng thấp nên khi thất nghiệp, nhiều lao động lựa chọn cách đi tìm việc làm ngay để bảo đảm cuộc sống hơn là dành thời gian để học nghề. Đây là lý do chính khiến lao động thất nghiệp không mặn mà với việc học nghề".
Chị Vũ Thị Thương ở xã Lê Hồng (Thanh Miện) đang hưởng trợ cấp thất nghiệp cho biết: "Phần lớn những lao động nữ, nhất là những lao động nữ đã có gia đình như chúng tôi rất khó theo học nghề khi thất nghiệp. Vì sau khi thất nghiệp, chúng tôi thường tận dụng khoảng thời gian đó để ở nhà chăm sóc con nhỏ hay tìm việc làm khác nhẹ nhàng, phù hợp hơn, ở gần nhà hơn thay vì đi học nghề. Nếu đi học nghề thì trong khoảng thời gian đó chúng tôi không có thu nhập gì thêm ngoài số tiền trợ cấp thất nghiệp và không có thời gian chăm sóc con, bí cả đôi đường".
Qua tìm hiểu về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chúng tôi nhận thấy mức hỗ trợ học nghề còn thấp (hiện nay mức hỗ trợ theo quy định là không quá 300 nghìn đồng/người). Việc quy định thời gian học không quá 6 tháng cũng chưa hợp lý. Anh Nguyễn Văn Cương, một lao động thất nghiệp ở huyện Kim Thành cho biết, người lao động muốn học một nghề có mức kinh phí cao hơn mức được hỗ trợ lại phải đóng thêm phần kinh phí vượt. Nghề nào có thời gian đào tạo vượt quá thời gian quy định thì phần thời gian vượt quá đó sẽ không được hỗ trợ. Một số nghề mà các cơ sở dạy nghề đang dạy không phù hợp với ý định học nghề của nhiều lao động hoặc nhiều nghề người lao động muốn học lại không nằm trong "khung" những nghề được hỗ trợ.
Hiện nay, nhiều cơ sở dạy nghề chỉ mở lớp đào tạo khi có đủ số lượng, khoảng vài chục người đăng ký học cùng một nghề. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho lao động muốn đăng ký học nghề, vì lúc đó họ phải đợi lâu, trong khi thời gian được hưởng trợ cấp lại có hạn. Nhiều cơ sở dạy nghề cũng "ngại" dạy nghề cho những đối tượng được hỗ trợ dạy nghề. Lý do là vì các cơ sở dạy nghề chỉ được thanh toán kinh phí dạy nghề khi người lao động đó đi học đầy đủ và phải có chứng chỉ chứng nhận học nghề. Còn khi lao động bỏ học ngang chừng, cơ sở dạy nghề sẽ không được thanh toán kinh phí.
Để chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động thất nghiệp được triển khai có hiệu quả, thu hút người lao động học nghề, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương cần xem xét nâng mức hỗ trợ học nghề; đưa các nghề dễ tìm kiếm được việc làm và thu nhập ổn định vào đào tạo. Đối với những nghề yêu cầu đòi hỏi cao về kỹ thuật, cần tăng thêm thời gian hỗ trợ học nghề cho người lao động, để người lao động nắm chắc và nâng cao tay nghề. Khi có lao động đăng ký học nghề, các cơ sở dạy nghề cần bố trí cho họ được học nghề ngay (chẳng hạn có thể ghép đối tượng được hỗ trợ học nghề vào lớp của các đối tượng khác có cùng nghề), tránh phải chờ đợi lâu.
VIỆT CƯỜNG