Lao động làng nghề ngại mua bảo hiểm xã hội tự nguyện

12/07/2017 06:12

Nhiều người lao động ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.



Hầu hết người lao động của làng nghề giầy da Phong Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc)
 chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện


Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động (NLĐ) tự do, người có thu nhập thấp có cuộc sống ổn định khi không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, nhiều NLĐ ở các làng nghề chưa quan tâm tham gia loại bảo hiểm này.

"Mù" thông tin

Qua tiếp xúc với nhiều lao động ở một số làng nghề, chúng tôi thấy hầu hết họ chưa hiểu rõ về BHXH tự nguyện.

Đến gia đình chị Phạm Thị Ly ở làng nghề hành, mủa An Thủy, xã Hiến Thành (Kinh Môn), khi chúng tôi nói muốn tìm hiểu về việc tham gia BHXH tự nguyện của gia đình thì chị Ly trả lời: "Nhà em mua bảo hiểm rồi, không có nhu cầu nữa đâu". Nhưng khi hỏi lại thì được biết chị Ly mua một loại bảo hiểm thương mại chứ không phải BHXH tự nguyện. Điều khiến chị Ly nhầm lẫn là do chị chưa biết thông tin gì về loại bảo hiểm này.

Thôn An Thủy hiện có 392 hộ với gần 1.000 lao động. Ngoài các hộ trồng hành, mủa, làng nghề còn có nhiều hộ làm dịch vụ thu mua, chế biến. 

Anh Đào Duy Vùng ở làng nghề vàng, bạc Lương Ngọc, xã Thúc Kháng (Bình Giang) cũng không nắm được thông tin gì về BHXH tự nguyện. Anh Vùng cũng nghĩ BHXH tự nguyện giống các loại bảo hiểm thương mại khác. "Tôi chưa nghe đến BHXH tự nguyện bao giờ. Tôi cũng không rõ mua BHXH tự nguyện có những lợi ích gì so với các loại bảo hiểm thương mại", anh Vùng nói.

NLĐ ở các làng nghề ít tham gia BHXH tự nguyện còn do công việc thiếu ổn định, thu nhập bấp bênh nên không muốn hằng tháng phải bỏ ra một khoản để đóng. Nhiều NLĐ còn liên tục thay đổi công việc và địa bàn nên chưa muốn mua. Để được hưởng chế độ hưu trí NLĐ phải đóng BHXH tự nguyện trong thời gian ít nhất 20 năm nên nhiều người có tâm lý e ngại.

Tỉnh ta hiện có 67 làng nghề được công nhận, với khoảng 33.000 lao động. Hầu hết NLĐ mới chỉ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình mà chưa quan tâm đến BHXH tự nguyện. Đặc biệt, NLĐ gần như bị "mù" thông tin về loại bảo hiểm này. Hiện toàn tỉnh mới có 7.234 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 1% số dân.     

Tập trung khai thác



Nhiều người lao động của làng nghề hành, mủa An Thủy, xã Hiến Thành (Kinh Môn) chưa
 nắm rõ các chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện


Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 50% số NLĐ tham gia BHXH, BHXH tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhất là hướng tới phát triển đối tượng ở các làng nghề. Đây là đối tượng có công việc, thu nhập khá ổn định. Nhiều lao động làm nghề vàng, bạc, đồ gỗ mỹ nghệ, dịch vụ vận tải... có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. BHXH tỉnh đã chỉ đạo cơ quan BHXH các huyện, thị xã, thành phố chọn một làng nghề làm điểm, từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Nhằm giúp chủ sử dụng lao động và NLĐ ở các làng nghề hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, BHXH huyện Bình Giang vừa tổ chức đợt tuyên truyền cho cán bộ và NLĐ của làng nghề vàng, bạc Lương Ngọc. Ngoài tuyên truyền về Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế, cán bộ bảo hiểm còn hướng dẫn thủ tục, cách thức tham gia các loại bảo hiểm và những vướng mắc của người dân gặp phải. Thời gian tới, BHXH huyện sẽ tập trung tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ, từng NLĐ.

Cuối tháng 7 này, BHXH huyện Kinh Môn cũng sẽ tổ chức tuyên truyền cho hơn 100 NLĐ của làng nghề hành, mủa thôn An Thủy. Anh Nguyễn Văn Quang, Giám đốc BHXH huyện Kinh Môn cho biết: "Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, chúng tôi phối hợp với chính quyền xã Hiến Thành thông báo rõ nội dung buổi làm việc. Đồng thời đề nghị người dân chuẩn bị sẵn câu hỏi về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế để được giải đáp ngay tại buổi tuyên truyền. BHXH huyện phối hợp với Hội Phụ nữ xã Hiến Thành là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện".

DANH TRUNG

Người dân tham gia đầy đủ chính sách BHXH tự nguyện ngoài được hưởng lương sau khi hết tuổi lao động (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ) còn được hưởng chế độ tử tuất và khi bắt đầu hưởng chế độ hưu trí được phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập hằng tháng do NLĐ lựa chọn. Mức đóng thấp nhất là bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (tương đương 154.000 đồng/người/tháng) và mức cao nhất không quá 20 lần mức lương cơ bản. Tất cả có 200 mức đóng BHXH tự nguyện để người dân lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động làng nghề ngại mua bảo hiểm xã hội tự nguyện