Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định, lương của lãnh đạo EVN do Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và xã hội phê duyệt chặt chẽ, minh bạch.
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)
Tại cuộc họp báo quý IV/2013 thông tin về kết quả hoạt động 2013, phương hướng 2014 và công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do Thanh tra Chính phủ tổ chức, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri đã giải trình các nội dung liên quan đến kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại tập đoàn.
Liên quan đến vấn đề cho vay, rồi vay lại với lãi suất cao và hiện tượng bù lỗ giữa Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên, ông Tri khẳng định: "Hiện tượng này là có và đang xảy ra tại tập đoàn. Tuy nhiên, đây là hiện tượng rất bình thường trong sản xuất điện, cần hiểu rõ bản chất việc huy động vốn của tập đoàn. Việc này không trái với quy định của pháp luật."
Cũng theo ông Tri, hiện EVN đang có kế hoạch mới để tối ưu hóa từng khâu thực hiện trong chuyển tải, phân phối, đặc biệt là đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Theo thông tin từ cuộc họp báo, trong quý 1/2014, ngành thanh tra sẽ triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2014 đã được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2014.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết năm 2014, trọng tâm hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ do các cục, vụ, đơn vị thực hiện, phát hiện những sơ hở trong cơ chế chính sách. Nội dung thanh tra sẽ tập trung vào các lĩnh vực nóng như quản lý sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, tổ chức biên chế, thu chi tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tham nhũng cao.
Ngành cũng sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo kết luận chính xác, khách quan, có tính khả thi cao; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; gắn thanh tra theo kế hoạch với thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các đoàn thanh tra; công khai kết luận thanh tra, giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra.
Ngành thanh tra tiếp tục thực hiện các giải pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp; tập trung giải quyết 62 vụ việc/528 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài...
Năm 2013, toàn ngành đã phát hiện vi phạm về kinh tế và kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 25.200 tỷ đồng, 3.600ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hơn 7.800 tỷ đồng, 428ha đất; xử phạt vi phạm hành chính hơn 3.000 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc, 75 người.
Thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết giải quyết khiếu nại tố cáo, ngành thanh tra phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 354 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng; đã thu 299,6 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 10 tập thể, 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng.
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cũng làm rõ những nội dung liên quan đến việc kê khai tài sản, minh bạch tài sản của người có nghĩa vụ phải kê khai.
Theo Phó Tổng Thanh tra, việc kê khai đã và đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các bản kê khai của thành viên Chính phủ đã được công khai trong Quốc hội và ở Chi bộ, cấp ủy nơi công tác.