Lặng thầm vì người có công

26/07/2019 18:40

Những người làm công tác chính sách quân đội hằng ngày vẫn miệt mài giải quyết những tồn đọng để người có công sớm được hưởng các chế độ đúng quy định.


Chi trả trợ cấp cho các đối tượng theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ tại huyện Ninh Giang

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hàng nghìn người có công trong tỉnh chưa được hưởng chế độ của Nhà nước. Những người làm công tác chính sách quân đội hằng ngày vẫn miệt mài giải quyết những tồn đọng hồ sơ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến để người có công sớm được hưởng các chế độ đúng quy định.

"Núi" hồ sơ

Các cán bộ làm công tác chính sách ở Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Tứ Kỳ đang gấp rút chuẩn bị cho đợt chi trả trợ cấp theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Thiếu tá Phạm Huy Khu, cán bộ chính sách Ban CHQS huyện Tứ Kỳ cho biết giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh là việc khó khăn và phức tạp. Hầu hết người có công đều cao tuổi, không còn giấy tờ gốc, việc xác định thời gian, địa bàn, đơn vị công tác gặp nhiều vướng mắc. Chú trọng tới lợi ích của người có công, Ban CHQS huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập trung giải quyết số lượng lớn các tồn đọng; xem xét, tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ liên quan đến thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến, dân công hỏa tuyến, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ liên quan đến các chế độ, chính sách với người có công. "Khối lượng công việc lớn, hồ sơ khi tiếp nhận hầu hết đều thiếu, nhiều hồ sơ chưa đúng quy định, các cán bộ làm chính sách phải mất rất nhiều thời gian xem xét, hướng dẫn. Vào những đợt cao điểm thực hiện chính sách, các cán bộ phải làm thêm giờ", thiếu tá Phạm Huy Khu nói.

Theo trung tá Phạm Văn Hợi, trợ lý chính sách Ban CHQS huyện Kim Thành, có năm đơn vị tiếp nhận tới 2.000 hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến người có công. Để bảo đảm chính xác, khách quan và đúng luật, anh đã tham mưu tổ chức tốt việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, làm tốt công tác phối hợp, điều tra, xác minh thông qua cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở, các đơn vị...

Làm việc bằng cái tâm

Thiếu tá Phạm Đình Chuẩn, trợ lý cán bộ, chính sách Ban CHQS huyện Ninh Giang cho biết: "Chiến tranh càng lùi xa thì việc giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công càng thêm khó khăn. Người làm chính sách ngoài việc nắm rõ quy định, thông tư, hướng dẫn còn phải có cái tâm". Có những trường hợp làm thủ tục đề nghị chứng nhận thương binh không có bất cứ giấy tờ gì ngoài một mảnh đạn trong người. Anh Chuẩn phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các quy định, đề xuất xin ý kiến cấp trên hướng dẫn giải quyết phù hợp, tránh để sai, lọt.

Ông Bùi Văn Tấm (sinh năm 1948) ở thôn Tiền Liệt, xã Tân Phong (Ninh Giang) tham gia kháng chiến chống Mỹ, từng bị thương ở vai nhưng không giữ được giấy tờ gốc. Năm 2017, do tuổi cao, viên đạn trong người lâu ngày vôi hóa khiến sức khỏe ông giảm sút nhiều. Anh Chuẩn đã hướng dẫn ông làm các thủ tục cần thiết như chụp X-quang có xác nhận của bệnh viện, hoàn thiện hồ sơ chứng nhận thương binh... Sau 1 năm chờ đợi, cuối năm 2018, ông Tấm đã được hưởng chế độ thương tật sau thời gian dài mỏi mòn chờ đợi.

Trung tá Phạm Văn Hợi, Ban CHQS huyện Kim Thành cho biết: "Các đối tượng khi đến với chúng tôi đều mong muốn hồ sơ của mình được giải quyết nhanh nhất. Có những người không hiểu hết quy định cho rằng chúng tôi gây khó dễ, đòi hỏi những thủ tục vô lý, vì thế không ít lần các cán bộ chính sách bị trách mắng. Những lúc đó, chúng tôi chỉ biết im lặng, chờ cho sự nóng giận của họ bớt đi rồi giải thích, hướng dẫn. Khi hoàn thiện hồ sơ, được nhận các quyết định chi trả, hưởng chế độ, họ lại là người cảm ơn chúng tôi".

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã triển khai rất nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến người có công như Quyết định 62, 142, 49...; Thông tư liên tịch số 28 giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng năm 2013, Thông tư 202 của Bộ Quốc phòng về xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ... Với quyết tâm không để đối tượng chính sách nào bị sót lọt, phải chịu thiệt thòi, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương tổ chức rà soát, xác minh, lập danh sách các đối tượng trên địa bàn, kịp thời chi trả các chế độ theo quy định, bảo đảm nghiêm túc, đúng người, đúng chế độ. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã chi trả trợ cấp cho hơn 46.000 người và không xảy ra tình trạng khiếu kiện. Năm 2017, Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh đã tìm kiếm, cất bốc, truy điệu, an táng 9 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp tại xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ)...

TRANG NGÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lặng thầm vì người có công