Lãng quên mình để tưởng nhớ người hy sinh

24/07/2017 09:41

Đọc Văn Thùy, ta gặp một kiểu lục bát vừa bình dân vừa sang trọng. Đến với thơ ông, ta được gặp một người chơi thơ: "Mặc người chữ nghĩa xênh xang/Ta khênh lục bát giữa làng đọc chơi", nhưng đồng thời ta cũng nhận ra rằng thơ Văn Thùy không phải chỉ để chơi và dễ chơi. Bên cạnh những bài lục bát tài hoa lúng liếng giễu nhại rất đặc trưng, Văn Thùy cũng có những ngậm ngùi lắng đọng nao lòng. “Một giọt người” (rút từ tập Thơ thu gom của Văn Thùy do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2015) là thi phẩm thấm đẫm tình đời, tiêu biểu cho phía lắng đọng ấy.

Một giọt người


Đạn bom vùi lấp chồng rồi
Chị tôi cũng đội tơi bời gió đông.

Nhớ thương chôn chặt đáy lòng
Tóc xanh điểm trắng, má hồng phôi pha.
Dắt con và cõng mẹ già
Bám vào ngọn muống nổi qua tháng ngày.

Cửa phên run rẩy heo may
Cháo cơm sung chát gừng cay bốn mùa.

Đàn ông bao kẻ trêu đùa:
“Người chinh phụ ấy mắt vua cũng mòn”
Cái ngày con gái vuông tròn
Chị ngồi nhẩm những mỏi mòn dài theo.

Thân cau thẳng đốt mốc meo
Ảnh chồng ám khói hương treo trên tường.
Giá như chẳng có chiến trường
Chị đâu tốn nước mắt thương khóc chồng.

Chẳng làm con sáo sang sông,
Chị thành một giọt người trong bể người.
Anh nằm đâu ở góc trời
Chị tôi đứng vậy suốt đời khói nhang.

VĂN THÙY


Ngay sau cái nhan đề mang màu sắc chiêm nghiệm nhân sinh, tác giả đã phác vẽ dáng nét phận người: “Đạn bom vùi lấp chồng rồi/ Chị tôi cũng đội tơi bời gió đông”. Chiến tranh lấy đi biết bao sinh mạng và cũng khiến những người ở lại gánh chịu biết bao nỗi đớn đau, thiệt thòi. Nhìn thấy thân phận chung của người đàn bà ở hậu phương thời trận mạc trong thân phận "chị tôi", nên Văn Thùy viết “Chị tôi cũng đội tơi bời gió đông”. Chị cũng như bao người phụ nữ khác, có chung nỗi mất mát, có chung nỗi đau thăm thẳm, không đong đếm, không thể nào bù đắp được. Tác giả dùng hình ảnh “gió đông” để gợi tả muôn nỗi ấm lạnh cõi đời mà chị phải đương đầu gánh chịu, khi những tháng năm đằng đẵng chờ chồng khép lại bằng cảnh tử biệt. Mất mát, chịu đựng, hy sinh của những người thiếu phụ “chôn tuổi thanh xuân trong má lúm đồng tiền” (Hữu Thỉnh) không còn là điều lạ ở “đất nước hình tia chớp” (Trần Mạnh Hảo) mấy nghìn năm gian lao này nữa. Vậy mà đọc những câu thơ của Văn Thùy ta lại thêm bao lần xót xa: “Nhớ thương chôn chặt đáy lòng/Tóc xanh điểm trắng, má hồng phôi pha”.

Văn Thùy khắc họa hình tượng người chị chịu thương chịu khó, nén kìm thương nhớ, gắng vượt lên nỗi đau bằng những hình ảnh chân thực đến nghẹn ngào: “Dắt con và cõng mẹ già/ Bám vào ngọn muống nổi qua tháng ngày”. Lưng cõng mẹ già, tay dắt con nhỏ, đi qua những năm tháng gian nan bằng bữa cháo bữa rau là những chi tiết của cuộc sống thực, không chút khoa trương. Hai dòng thơ chân mộc mà ám ảnh này, đặc biệt là dòng sau thuộc vào số những câu thơ hay nhất của nghiệp thơ Văn Thùy. “Bám vào ngọn muống nổi qua tháng ngày” không chỉ là hình ảnh của nghèo khó, của kế sinh nhai tảo tần mà còn gợi ám ảnh sâu xa về phận người giữa cuộc đời nổi nênh. Chữ nghĩa giản dị mà quá đỗi tài hoa, không có bản năng thi sĩ trong cái chất nhà quê thì làm sao bắt được cái thần của "ngọn muống" để rồi đặt bút dùng chữ “bám” và chữ “nổi” tinh đến thế được. Mãnh lực mà hai dòng thơ trên gợi lên khiến cho hai dòng tiếp đó của Văn Thùy, dù chẳng phải non lép nhưng dường như chỉ còn mang tính chất minh họa, cụ thể hóa điều vừa được viết ra thôi: “Cửa phên run rẩy heo may/Cháo cơm sung chát gừng cay bốn mùa”!

Bằng thủ pháp gián cách, khách quan hóa số phận của chị, Văn Thùy thể hiện những cảm thông sâu sắc với những khắc khoải “chôn chặt đáy lòng”: “Đàn ông bao kẻ trêu đùa:/Người chinh phụ ấy mắt vua cũng mòn”. Cái câu dẫn: “Người chinh phụ ấy mắt vua cũng mòn” vừa có chất dân gian-dân dã trong cách ví von, vừa mang chút gì nho nhã-chừng mực của chính nhân quân tử trong cách dùng từ Hán Việt. Trong trêu đùa luôn có sự nể trọng. Trong sự nể trọng, Văn Thùy cho ta thấy phẩm hạnh của “người chinh phụ ấy”.

Thờ chồng nuôi con, rồi con lớn khôn ra khỏi vòng tay, mẹ già cũng không còn nữa, chị chỉ còn lại một mình: “ngồi nhẩm những mỏi mòn dài theo”. Để rồi thấy bước đi của thời gian vừa nghiệt ngã, vừa bao dung: “Thân cau thẳng đốt mốc meo/Ảnh chồng ám khói hương treo trên tường”. Cảm thông và cảm thương những mất mát, chịu đựng, hy sinh của chị, tác giả đã hạ những câu lục bát có phần lỗi nhịp và… lẩn thẩn: “Giá như chẳng có chiến trường/Chị đâu tốn nước mắt thương khóc chồng”. Tuy nhiên, cái khiếm khuyết ấy lại được cảm xúc chân thành khỏa lấp. May, sau nhiều hình ảnh cụ thể và chân thực, bài thơ kết lại trọn vẹn ở những suy ngẫm về phận người góa phụ: “Chẳng làm con sáo sang sông/Chị thành một giọt người trong bể người”.

Thấy nhan đề “Một giọt người”, thoạt tiên tôi liên tưởng đến câu thơ “Một giọt người rất sáng rất trong” của Việt Phương trong “Cửa mở”. Đọc bài, nhận ra không phải vậy. “Một giọt người” ở đây nằm trong trường liên tưởng với “bể người” (thơ cổ: Nhân hải thùy tri ngã diệc âu, nghĩa là: Đem thân mình đặt vào trong biển người, thì có ai biết mình chỉ là một con âu ở ngoài biển thôi), một liên tưởng thú vị khiến tứ thơ lóe sáng. Cần biết rằng Văn Thùy từng hơn một lần nung nấu mong muốn viết về đề tài này. Ông từng có bài “Vợ liệt sĩ” với hai câu: “Người ru ngấn nước bờ sông/Chị tôi cứ tấm ảnh chồng mãi ru”. Bài hai câu ấy chưa “đứng” được, nợ lòng chưa dứt. Phải chờ đến khi Văn Thùy gặp được cái ý tưởng “một giọt người” mang hơi hướng triết học này, nợ tâm tư cơ chừng mới trả được. “Chị thành một giọt người trong biển người” nghĩa là chị thầm lặng chịu đựng, chấp nhận lãng quên cả chính mình để vọng tưởng người chồng hy sinh nơi chiến trận: “Anh nằm đâu ở góc trời/Chị tôi đứng vậy suốt đời khói nhang”. Cũng có thể hiểu những mất mát thiệt thòi kia không phải có riêng mình chị, và chị “chẳng làm con sáo sang sông” là vì thế. Dù hiểu theo hướng nào cũng đều thấy hiện lên bức chân dung kiên cường, sắt son của người phụ nữ Việt Nam của một giai đoạn lịch sử thần kỳ.

NGUYỄN THANH TRUYỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng quên mình để tưởng nhớ người hy sinh