Bức bình phong sơn mài "Làng quê giữa rặng chuối" của Nguyễn Gia Trí được bán với giá 1,08 triệu USD (25,5 tỷ đồng) tại Drouot Estimations.
Con số cao gấp hơn năm lần ước tính ban đầu, được ấn định trong phiên Art classique, moderne et contemporain của Drouot Estimations hồi tháng 12.2022. Villageoises parmi des bananiers (Làng quê giữa rặng chuối) là bức bình phong sáu tấm, chất liệu sơn mài trên bảng gỗ, kích thước 195x100 cm.
Trên nền đen, họa sĩ mô tả những ngôi nhà tranh, nhóm phụ nữ mặc áo tứ thân đang quảy quang gánh, một nhóm đứng mua bán bằng gam màu nâu đỏ đậm nhạt. Tiền cảnh là những cây chuối được sơn son thếp vàng, tạo sự tương phản mạnh mẽ. Họa sĩ xử lý nhẹ nhàng, tinh tế. Những chi tiết như phụ nữ mặc áo tứ thân, con bò, ngôi nhà, cây cối... đậm chất thôn quê.
Theo Drouot, tác phẩm đặc biệt với hai lý do: Hình nổi khá rõ nét của những cây chuối - hiếm thấy trong tranh Gia Trí, và chữ ký khác thường. Góc phải bên dưới tác phẩm có một chữ G - một trong ba chữ cái đầu tên họa sĩ - được viết hoa tích hợp ba chữ cái IAT, và năm 1937. Theo nhà đấu giá, đây cũng là một yếu tố góp phần đưa tác phẩm đoạt giá cao. Ngoài ra, họa sĩ sử dụng nhiều kỹ thuật sơn mài phức tạp, đòi hỏi kỹ năng tinh tế.
Bức Làng quê giữa rặng chuối được bà của chủ sở hữu hiện tại mua từ nghệ sĩ vào năm 1937. Sau đó, tranh được lưu giữ trong gia đình cho đến khi đưa ra đấu giá hồi tháng 12.2022.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận xét tác phẩm đẹp, kích thước lớn cộng tên tuổi của Nguyễn Gia Trí thì mức giá triệu USD không quá bất ngờ, thậm chí là thấp. Ông kỳ vọng tác phẩm đạt trên mức hai triệu USD.
"Sắc vàng trên nền đen làm cho bức tranh có chiều sâu. Ông không cẩn trứng mà dát vàng tạo vẻ lộng lẫy. Phong cách vẽ tiền cảnh là cây, phía sau là chùa, ngôi làng thường thấy trong tranh của các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ cũng xử lý tốt từng tình tiết đậm chất Việt Nam như: phụ nữ mặc áo tứ thân đang quẩy quang gánh...", ông Khôi nói.
Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Chương Mỹ, Hà Nội, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936. Ông là một trong Tứ kiệt của hội họa Việt Nam: "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn". Ông tổ chức những triển lãm đầu tiên năm 1939-1940.
Ông được xem là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài. Ông góp phần đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây.
Họa sĩ từng mở một xưởng vẽ lớn với đội ngũ thợ đông đảo, ông đã sản xuất loạt tác phẩm với chất liệu tinh tế và chất lượng khắt khe như bình phong, tủ quần áo, pano... Thiên nhiên, phong cảnh đất nước là đề tài chủ đạo của Nguyễn Gia Trí. Họa sĩ gặt hái nhiều thành công, được nhiều quan chức cấp cao, doanh nhân người Pháp ở Đông Dương tới xưởng và mua tác phẩm.
Năm 1989, Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ông mất tại TP HCM năm 1993. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Họa sĩ có hai tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia: Vườn xuân Trung Nam Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và Bình phong tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.