Ngày 9-6, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 15. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.
Không nên cấp chứng minh nhân dân mới
Nếu Luật Căn cước công dân được QH thông qua thì đến năm 2016, thẻ căn cước công dân sẽ thay thế cho chứng minh thư nhân dân (CMND). Trong khi đó, Bộ Công an đang tiến hành cấp đổi CMND 12 số rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Cương, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công an) đã báo cáo về tình hình cấp đổi CMND 12 số thay cho loại 9 số hiện nay. Theo đó, 12 số trên CMND mới cũng chính là mã số định danh cá nhân trong thẻ căn cước công dân sau này. “Sau một thời gian thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Bộ Công an đã mở rộng tại 5 tỉnh thành khác như Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình”, đại biểu Cương nói.
Không đồng tình với việc cấp CMND mới, đại biểu Trần Du Lịch chất vấn đại biểu Đỗ Văn Cương: “Luật Căn cước công dân dự kiến có hiệu lực từ 1-1-2016 thì tại sao lại phải đổi CMND 12 số?”. Đại biểu Đỗ Văn Cương đã không trả lời được câu hỏi này. Đại biểu Lịch tiếp tục nêu quan điểm: “Tôi thấy dường như Bộ Công an và Bộ Tư pháp không có sự nhất trí và ở đây rõ ràng đang có một sự lãng phí lớn. Tại sao không chờ đến 2016 rồi làm luôn mà cứ phải đổi đi đổi lại thế này”.
Đồng tình ý kiến của đại biểu Lịch, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc đổi CMND 12 số hiện nay không những lãng phí mà còn gây ảnh hưởng đến đến giao dịch bình thường của người dân. Từ những bất cập trên, nhiều đại biểu đề nghị, đại diện Bộ Công an ghi nhận ý kiến và báo cáo với Ban Soạn thảo luật.
Cũng tại phiên họp, nhiều đại biểu QH đã đề nghị phải đưa thêm chi tiết công dân vào thông tin ghi trên thẻ như: nhóm máu, màu mắt, cũng như cần có quy định rõ về cách ghi nguyên quán, sinh quán, hiện đang rất lộn xộn và không rõ ràng.
Giảm bớt các giấy tờ không cần thiết
Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương):
Việc đăng ký hộ tịch qua hệ thống bưu chính là không hợp lý Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) phát biểu ý kiến
Về Dự án Luật Hộ tịch, tôi đề nghị xem xét lại điều 9 về việc người yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc gửi qua hệ thống bưu chính. Vì việc yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con phải có mặt trực tiếp chứ không thể ủy quyền cho người thứ 3 hoặc gửi qua hệ thống bưu chính. Mặt khác, hiện nay Luật Căn cước công dân cũng đang được xem xét trình QH thông qua, song Dự án Luật Hộ tịch lại quy định khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch phải xuất trình thẻ căn cước công dân cho cơ quan đăng ký hộ tịch, đối với những người yêu cầu đăng ký hộ tịch trước khi Luật Căn cước được thông qua thì giải quyết thế nào? Việc quy định thủ tục đăng ký các sự việc hộ tịch như: đăng ký khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha, mẹ, con... trong dự án luật đều quy định phải nộp văn bản yêu cầu đăng ký theo mẫu, nhưng tôi cho là cũng chưa phù hợp với quy định về việc cắt giảm các thủ tục hành chính hiện nay. |
Về Dự án Luật Hộ tịch, các đại biểu đề nghị: Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, rà soát các quy định của Dự án Luật Hộ tịch với các quy định của Dự án Luật Căn cước công dân để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nêu ví dụ: Theo Dự án Luật Hộ tịch, giấy khai sinh được cấp cho trẻ em ngay từ khi mới sinh ra, làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước đối với công dân, đồng thời để công dân thực hiện các quyền cơ bản của mình như quyền học tập, khám chữa bệnh, đi lại... Tuy nhiên, theo Dự án Luật Căn cước công dân, thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh. Như vậy, giữa hai loại giấy tờ này có sự trùng lặp về nguồn thông tin, nội dung thông tin của người kê khai. Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu để quy định thống nhất nội dung này trong Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, tránh phát sinh thêm giấy tờ, gây phiền hà cho công dân đi làm thủ tục kê khai thông tin cá nhân.
Băn khoăn về quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện thực hiện việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này trong dự án luật. Bởi hiện nay, chất lượng, trình độ của cán bộ tư pháp các huyện còn nhiều hạn chế, đặc biệt là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớnChiều 9-6, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; biểu quyết thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013. QH đã biểu quyết sử dụng 44.643,7 tỷ đồng từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước 33.500 tỷ đồng và giảm chi ngân sách trung ương năm 2013 là 11.143,7 tỷ đồng để chi cho 3 khoản. Trong đó, chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt cá xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư là 16 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nên dành kinh phí nhiều hơn nữa cho ngư dân, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề nghị: QH cần ra nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ luật thu chi ngân sách từ Trung ương đến địa phương để có thêm nguồn lực cho ngư dân, cảnh sát biển. Theo đó, các địa phương cần tạm dừng những dự án chưa thực sự bức xúc để tập trung nguồn lực cho quốc phòng an ninh, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. "Nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài", ông Đương thẳng thắn cho biết.
Cũng trong chiều 9-6, QH cũng nghe Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đồng thời thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015.
Về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hạnh Phúc, trong bối cảnh hiện nay và trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH trình QH dự kiến đưa vào Kỳ họp thứ 10 tại nội dung giám sát về hoạt động chất vấn tại QH từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.
Về lựa chọn chuyên đề giám sát, năm 2015, UBTV QH đề nghị QH giám sát 3 chuyên đề tại 2 kỳ họp, gồm: Tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường oan sai; kinh tế Việt Nam từ khi gia nhập WTO và tình hình chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai ở các nông lâm trường.
Thảo luận về dự kiến chương trình giám sát 2015, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, chọn chuyên đề giám sát cần chú ý tính thực tế cũng như tác động của những kiến nghị sau giám sát. Đại biểu Hùng đề nghị, chọn chuyên đề về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường oan sai và tình hình sử dụng đất đai ở các nông lâm trường. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng đồng tình lựa chọn 2 chuyên đề giám sát 1 và 3. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung chuyên dề giám sát quản lý thị trường vì hiện nay có quá nhiều mặt hàng kém chất lượng, giả, lậu... tác động đến sức khỏe, kinh tế, sản xuất của người dân.
Hầu hết các đại biểu QH có chung lựa chọn 2 chuyên đề giám sát trong năm 2015 là chuyên đề 1, 3. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), đề nghị nêu cao chất lượng giám sát của QH, đưa những kiến nghị sau giám sát đưa vào cuộc sống.
TTXVN - PV - TN - NA
Ngày 10-6, buổi sáng, QH họp riêng tại các tổ đại biểu QH. Buổi chiều, QH họp phiên toàn thể tại hội trường nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII và bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên họp sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp.
|