Làng nghề tất bật cuối năm

31/12/2016 16:04

Ngày cuối năm, không khí làm việc của nhiều làng nghề trong tỉnh như hối hả hơn. Sản phẩm của các làng nghề đã sẵn sàng đến muôn nơi để phục vụ Tết.



70% số lượng hương của cơ sở Ðức Hùng được xuất bán vào dịp Tết


Gần Tết, lò nấu rượu của các hộ làng nghề Văn Giang (Ninh Giang) đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Làng hiện có hơn 200 hộ làm nghề. "Rượu Văn Giang thơm, ngon nổi tiếng nên năm nào đến Tết cũng được nhiều người tìm mua. Tháng áp Tết, lượng rượu bán ra tăng gấp 3-4 lần so với những tháng trước nên gần như cả ngày gia đình tôi tất bật với lò nấu rượu", chị Phạm Thị Lan, một hộ nấu rượu cho biết.

Những ngày này, người làng nghề làm hương thôn Đông, xã Quốc Tuấn  (Nam Sách) gần như không nghỉ. "Mỗi dịp Tết đến người dân nơi đây càng phấn khởi hơn vì nhận được nhiều đơn đặt hàng. Sản xuất quanh năm, nhưng 70% số lượng hàng hóa được xuất bán vào dịp Tết", anh Nguyễn Đức Hùng, chủ cơ sở sản xuất hương thơm Đức Hùng cho biết. Mỗi ngày, cơ sở của anh Hùng làm ra từ 40-45 vạn que hương. Năm nay, anh đưa ra thị trường 3 loại hương có mẫu mã mới. Chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên, ngoài nguyên liệu truyền thống là trầm hương còn có thêm quế, chi, hoa hồi, thảo quả... tạo nên mùi thơm êm dịu.

So với năm ngoái, Tết năm nay, cơ sở sản xuất hương Hoàng Tuyết ở thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn đưa ra thị trường 2 sản phẩm mới là hương quấn nụ và hương sạch. Ngoài thị trường tiêu thụ truyền thống trong nước, năm nay lần đầu tiên sản phẩm của cơ sở được xuất khẩu sang Malaysia, Singapore, Hong Kong, Nga và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn hương của Trung Quốc. "Để xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài, chúng tôi không ngừng tìm kiếm bạn hàng mới, đồng thời phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Như vậy, mới có thể cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài", anh Hoàng cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, toàn xã có 3 làng được công nhận là làng nghề hương với gần 100 hộ sản xuất. Thời điểm giáp Tết, lượng hương tiêu thụ nhiều nên các hộ dân đều tích cực sản xuất. Hiện nay, một số hộ đã xuất khẩu hương.

Làng nghề bánh đa Lộ Cương ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cũng đang tranh thủ những ngày nắng ráo cuối năm để sản xuất mỳ gạo. Cả một vùng rộng lớn ở đây được tận dụng để phơi mỳ. Hơn 400 lò bánh đang hoạt động hết công suất để kịp cung cấp sản phẩm phục vụ Tết. Anh Phạm Văn Quang ở phố Ư Dĩ, chủ cơ sở sản xuất bánh đa cho biết: "Nhà tôi trung bình mỗi ngày sản xuất hết hơn 2 tạ gạo, bánh đa làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Trong làng còn có nhiều hộ đi mua gom bánh đa của các hộ khác. Bánh đa Lộ Cương đã nổi tiếng nên được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố".

Theo Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), toàn tỉnh hiện có 66 làng nghề. Các làng nghề truyền thống làm hương, rượu, mộc... lượng tiêu thụ những ngày giáp Tết tăng rất cao nên các hộ đều tranh thủ thời gian để sản xuất. Các làng nghề ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Dịp giáp Tết là thời điểm các làng nghề  hoạt động mạnh nhất trong năm. Đi kèm với lợi ích kinh tế đem lại, các làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, ô nhiễm môi trường. Chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề trong dịp này; đồng thời cần tăng cường quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề tất bật cuối năm