Những ngày này, về thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) có thể cảm nhận ngay không khí lao động tất bật của những gia đình làm nghề nấu rượu.
Rượu được kiểm tra cẩn thận trước khi đóng thùng xuất cho khách
Những lò than ngày đêm đỏ lửa, hương rượu thơm mùi cốm nếp thoảng nhẹ hòa trong cái rét của những ngày cuối năm.
Nhanh tay kiểm tra những mẻ cơm đang ủ, bà Đào Thị Thủy ở xóm Tây chia sẻ: “Bình thường mỗi ngày ra khoảng 30 lít rượu nhưng dịp này mỗi tuần tôi làm thêm 30 lít. Sáng nào cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để đong nước thổi cơm rượu”. Gia đình bà Thủy và ông Hoàng Văn Phú có 4 đời làm nghề nấu rượu. Theo bà Thủy, để được những giọt rượu thơm ngon thì phải mất khoảng 15 ngày và trải qua rất nhiều công đoạn như: nấu cơm, vật cơm ra phên, phối men, ủ cơm. Khi cơm ủ đủ ngày xuống nước mọng mới đến khâu chưng cất rượu… Khâu chưng cất rượu cũng phải qua 2 lần, lần 1 rượu ra vẫn còn đục và không êm. Loại rượu này sẽ được chưng cất thêm một lần nữa để ra sản phẩm rượu cuối cùng thơm ngon, êm dịu và trong suốt. Một việc quan trọng cuối cùng là đo độ cồn của rượu để dừng chưng cất khi rượu vừa bắt đầu nhạt. Có 2 cách để đo nồng độ cồn của rượu là dùng cồn kế và cách truyền thống là “rê rượu” theo kinh nghiệm.
Cách nhà bà Thủy không xa, bà Đào Thị Hương cũng đang chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ để chưng cất rượu. Vừa đặt nồi lên bếp, bà Hương cho biết: “Những người làm nghề nấu rượu ở đây hoạt động chủ yếu vào khoảng tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau (dương lịch), cao điểm là vào tháng áp Tết Nguyên đán. Làm nghề này cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, làm vào mùa nóng thì không được rượu, thời tiết mát, lạnh thì công đoạn ủ men phải làm cẩn thận và mất nhiều ngày hơn nhưng sẽ được rượu hơn”.
Dịp này, Công ty TNHH Rượu Phú Lộc do ông Hoàng Hữu Vũ làm chủ cũng hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng. Theo ông Vũ, bình thường mỗi tháng công ty xuất bán từ 7.000-8.000 lít rượu. Riêng tháng áp Tết lượng tiêu thụ tăng lên gấp đôi. Dự kiến trong tháng này công ty xuất khoảng 15.000 - 20.000 lít.
Theo ông Hoàng Văn May, Trưởng thôn Phú Lộc, thôn có gần 1.300 hộ thì hiện còn trên 300 hộ làm nghề. Rượu Phú Lộc nổi tiếng khắp vùng và được mọi người nhớ đến bởi đặc trưng của rượu trong suốt, tinh khiết, đậm đà, ngan ngát thơm mùi cốm nếp, mặc dù nồng độ thường rất cao nhưng khi uống lại rất êm và không sốc. Theo những người làm nghề nơi đây, độ ngon của rượu phụ thuộc vào nguyên liệu và kinh nghiệm. Rượu Phú Lộc được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng và men Bắc. Men Bắc được làm từ gạo và 32 vị thuốc Bắc như lục đậu, thảo quả, quế hồi, đinh hương…
Hiện nay, rượu Phú Lộc được tiêu thụ nhiều ở thị trường trong tỉnh và các thành phố, địa phương lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang… Theo ông Vũ, mới đây đã có 3công ty của Trung Quốc đến khảo sát, lấy mẫu về kiểm định. Nếu đạt tiêu chuẩn, thời gian tới các công ty sẽ ký hợp đồng mua rượu của công ty để tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Anh và Mỹ. Một doanh nghiệp đã mua 20.000 lít rượu của công ty.
TUẤN SỸ