Làng nghề "quên" làm nhãn hiệu

02/12/2018 06:32

Đa phần các làng nghề trong tỉnh chưa quan tâm làm nhãn hiệu hàng hóa. Sự thờ ơ này về lâu dài sẽ khiến sản phẩm truyền thống khó xây dựng được thương hiệu và dễ dàng bị mạo danh.

Nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề thêu ren Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) chưa quan tâm đến việc làm nhãn hiệu

Thiếu quan tâm 

Cuối năm, các nghệ nhân của làng nghề thêu ren Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) bận rộn làm những mẫu tranh thêu mới nhất để bán cho người dân trưng Tết và xuất khẩu sang Hàn Quốc phục vụ nhu cầu may trang phục cuối năm. Đường kim, mũi chỉ thanh thoát, mềm mại của những nghệ nhân ở đây đã thổi hồn vào từng tác phẩm tạo nên nhiều bức tranh thêu độc đáo. Những nghệ nhân làng Xuân Nẻo vẫn tự hào với kinh nghiệm cả trăm năm nay đã giúp họ làm ra những sản phẩm ít nơi nào có được. Nhưng họ không ngờ những mẫu tranh thêu Xuân Nẻo lại đang bị làm nhái ở Hà Nội. Một số cơ sở bán tranh thêu ở Hà Nội hiện đề nhãn hiệu tranh Xuân Nẻo để bán với giá cao nhưng thực chất đây là những bức tranh thêu bằng máy, độ cầu kỳ, tinh xảo không thể bằng tranh thêu thủ công của Xuân Nẻo. Chị Nguyễn Thị Hoan, chủ phòng tranh thêu tay Hoan Tứ ở thôn Xuân Nẻo cho biết đa phần các cơ sở thêu trong làng mới chỉ có giấy đăng ký kinh doanh còn làm nhãn hiệu cho sản phẩm thì chưa hộ nào quan tâm thực hiện. 

Ở làng mộc truyền thống Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng), việc đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa cũng gần như bị các cơ sở sản xuất bỏ quên. Hiện làng nghề Đông Giao có hơn 400 hộ sản xuất sản phẩm mộc mỹ nghệ, được xuất sang Trung Quốc, Thái Lan và tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm uy tín, tiêu thụ rộng khắp nhưng lại chưa có nhãn hiệu. Ông Vũ Xuân Thép, chủ Doanh nghiệp tư nhân mỹ nghệ Xuân Thép - cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ lâu năm ở Đông Giao cho biết: “Không ít làng nghề ở Hưng Yên mang sản phẩm đi bán nhưng tự giới thiệu là mộc Đông Giao để tiêu thụ thuận lợi và được giá hơn. Hầu hết các hộ sản xuất trong làng đang phải lo khâu tiêu thụ, chi phí sản xuất nên vẫn chưa làm nhãn hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, hiểu biết về nhãn hiệu hàng hóa và sở hữu trí tuệ của người dân làng nghề còn thấp nên chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện các thủ tục này”.

Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, hiện số lượng doanh nghiệp trong các làng nghề đăng ký nhãn hiệu riêng hoặc cả làng nghề đăng ký nhãn hiệu tập thể còn khá ít. Toàn tỉnh mới có các làng nghề da giày Hoàng Diệu (Gia Lộc), bánh gai (Ninh Giang), bánh đậu xanh (TP Hải Dương) và bánh đa Hội Yên (Thanh Miện) đăng ký nhãn hiệu.

Theo đánh giá của Sở Công thương, nguyên nhân chủ yếu do hiện nay hầu hết các làng nghề trong tỉnh vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, không biết liên kết với nhau để xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc hỗ trợ nhau làm nhãn hiệu riêng. Nếu không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm thì các làng nghề khó được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi phát sinh tranh chấp.

Tài sản vô hình

Làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) chưa đăng ký được nhãn hiệu tập thể

Nhãn hiệu được ví như tài sản vô hình của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nếu không được quan tâm thực hiện sẽ dẫn đến những tranh chấp, khiếu kiện về quyền sở hữu trí tuệ. Theo bà Đinh Thị Bình, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ), nhãn hiệu là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất ở làng nghề. Khi đã được đăng ký nhãn hiệu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có toàn quyền thực hiện các hoạt động bảo vệ thương hiệu, loại bỏ được sự cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ khác. Mặt khác, nhãn hiệu còn có những tác động tích cực vào việc mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, nhãn hiệu là cách để các làng nghề thể hiện sức mạnh của thương hiệu, tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới. Nhãn hiệu sẽ trở thành hàng rào chắc chắn chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, nhãn hiệu cũng là cam kết về chất lượng sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Để làm được điều này, trước hết cần sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng người dân các làng nghề ý thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang thực hiện Đề án “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020”. Đề án có những hỗ trợ nhất định đối với việc đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh sẽ được hỗ trợ khoảng 6 triệu đồng mỗi nhãn hiệu đăng ký bảo hộ. Nếu nhãn hiệu có nhiều nhóm sản phẩm, dịch vụ thì từ nhóm thứ hai trở đi hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/nhóm.

BÌNH ANH

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu được thể hiện dưới dạng từ ngữ, hình ảnh hoặc từ ngữ kết hợp với hình ảnh được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề "quên" làm nhãn hiệu