Làng nghề phớt lờ quy định bảo vệ môi trường

23/02/2017 08:00

Điều 70 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014 quy định rõ các làng nghề phải có tổ chức tự quản về BVMT.



Hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa thành lập được tổ tự quản về bảo vệ môi trường theo quy định

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện nghiêm quy định này.

Không nắm được quy định

Theo quy định của pháp luật, tổ tự quản về BVMT được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm. Trong quá trình kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tổ chức tự quản về BVMT có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện và thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến các điểm tập kết theo quy định; quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về BVMT theo sự phân công của UBND cấp xã; xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước có nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường... Khi phát hiện ra dấu hiệu bất thường về ô nhiễm môi trường; sự cố môi trường hay các hành vi vi phạm quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại địa bàn được phân công quản lý thì xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo ngay cho UBND cấp xã.

Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề trên địa bàn tỉnh mới chỉ có các tổ thu gom rác thải như tất cả các thôn, khu dân cư khác chứ chưa một làng nghề nào thành lập được tổ tự quản về BVMT. Thậm chí, khi được hỏi có đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp xã đánh đồng tổ thu gom rác thải của khu dân cư đó là tổ tự quản về môi trường làng nghề. Nhiều trưởng thôn của các làng nghề không hề nắm được quy định phải thành lập các tổ tự quản này. "Chúng tôi cũng được nghe tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT nói chung, môi trường làng nghề nói riêng. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy cấp, ngành nào nói về việc phải thành lập các tổ tự quản về BVMT tại làng nghề. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy quy định này", bà Lê Thị Kiểu, Trưởng thôn Đông Cận (làng nghề bún Đông Cận, xã Tân Tiến, Gia Lộc) cho biết.

Tương tự, khi được hỏi, trưởng thôn Bến Đông Giao, nơi có làng nghề mộc Đông Giao (xã Lương Điền, Cẩm Giàng) và trưởng các khu dân cư Lộ Cương A, Lộ Cương B (làng nghề bánh đa Lộ Cương, phường Tứ Minh, TP Hải Dương) đều cho biết các thôn, khu dân cư này cũng chỉ có các tổ thu gom rác thải chứ không thành lập được các tổ tự quản. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng thôn Bến Đông Giao cho biết: "Chúng tôi chủ yếu trông chờ vào ý thức, trách nhiệm của các hộ làm nghề và hoạt động của tổ thu gom rác thải chứ thôn cũng không tổ chức cho các hộ làm nghề và các hộ dân trong thôn ký cam kết BVMT. Người dân trong thôn cũng tham gia chưa sâu vào công tác BVMT chung".

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 65 làng nghề, trong đó có trên 50% số làng ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều làng nghề hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Hiện chưa có làng nghề nào có hệ thống xử lý nước thải, kể cả các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm. Hệ thống cống, rãnh thoát nước thải của nhiều làng nghề không có nắp đậy, gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm như bún, bánh đa chưa thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng quy định mà thải ngay ra ao hồ, kênh mương, các khu đất trống trong làng… Nhiều thông số môi trường tại một số làng nghề vượt quy chuẩn cho phép.

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai, nhân rộng mô hình "Khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường". Sau một thời gian hoạt động, các tổ tự quản này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tại những nơi triển khai xây dựng được tổ tự quản, công tác tuyên truyền về BVMT được đẩy mạnh; 100% các gia đình đều ký cam kết BVMT. Các chi hội, đoàn thể đều phân công nhau đảm nhận việc thu gom rác thải, các công trình, đoạn đường tự quản. Hằng tuần, hằng tháng, thôn, khu dân cư đều tổ chức tổng vệ sinh. Các xóm cử người kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các hộ vi phạm các quy định về tự quản BVMT, nếu vi phạm nhiều lần sẽ báo cáo với Ban công tác mặt trận thôn, khu dân cư và bị thông báo nhắc nhở trên loa của thôn. Nhờ đó, ở các thôn, khu dân cư này không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi. Rác được các gia đình phân loại ngay tại nhà và tập kết đúng nơi quy định.

Hiệu quả của tổ tự quản về BVMT đã được chứng minh. Trong khi đó, môi trường làng nghề bị ô nhiễm đang là vấn đề bức xúc mà chính quyền các cấp đang tập trung giải quyết. Do vậy, việc xây dựng các tổ tự quản về BVMT cần được nhân rộng nhiều hơn nữa để vừa giúp các làng nghề thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa "cứu nguy" cho chính các làng nghề. Để người dân ở các làng nghề nắm được quy định này, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT; khuyến khích các làng nghề thành lập các tổ tự quản và tạo điều kiện cho các tổ tự quản hoạt động.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề phớt lờ quy định bảo vệ môi trường