Làng nghề nấu rượu vào vụ Tết

18/01/2016 09:00

Trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi gia đình Việt Nam nếu không dùng thì cũng mua một ít rượu trắng ngon để cúng tổ tiên.




Anh Vũ Như Hải, thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) để rượu trong thùng phi hơn 1 tháng mới bán


Chính vì vậy mà càng gần đến Tết, các làng nghề rượu truyền thống lại trở nên tất bật hơn.

Rộn ràng

"Tết đến, các gia đình nhận những đơn đặt hàng với số lượng hàng trăm lít rượu là chuyện bình thường. Tuy vất vả nhưng để đáp ứng được nhu cầu của khách, chúng tôi vẫn cố gắng sản xuất".

Đã lâu không về làng nghề nấu rượu truyền thống Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), chúng tôi thấy người và cảnh ở đây thay đổi khá nhiều. Đời sống của người dân ngày một khấm khá hơn với những ngôi nhà cao tầng, đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông rộng rãi. Ngoài phát triển dịch vụ, kinh doanh, nhiều người dân làng Phú Lộc vẫn chung thủy với nghề nấu rượu truyền thống của mình. Tháng cuối năm, hầu hết các hộ có nghề nấu rượu bếp đều đỏ lửa cả ngày. Lượng rượu tiêu thụ ở đây đã tăng lên đáng kể. Các gia đình đều tập trung lao động vào nấu rượu để đáp ứng nhu cầu của thị trường khi Tết Nguyên đán đang đến gần. 

Chúng tôi dừng chân ở gia đình anh Vũ Như Hải, người có kinh nghiệm nấu rượu hàng chục năm ở thôn Phú Lộc lúc vợ chồng anh đang đánh rửa đồ để chuẩn bị lên bếp nấu tiếp nồi nữa. Anh Hải cho biết: "Đây là thời gian gia đình vất vả nhất trong năm. Ngoài 2 vợ chồng, thỉnh thoảng tôi phải nhờ người thân phụ giúp thêm. Công việc bận rộn từ sáng sớm cho đến đêm khuya mới được nghỉ. Nhiều lúc mệt mỏi, vợ chồng tôi cũng muốn nghỉ nhưng đã nhận lời của khách đành phải cố gắng làm để giao hàng đúng hạn. Bình thường mỗi tháng, gia đình tôi chỉ nấu 500 - 600 lít, nay tăng lên hơn 1.000 lít. Trước tôi chủ yếu giao rượu cho các quán ăn uống nhỏ, giờ có nhiều nhà hàng và người dân tới tận nơi đặt mua".  

Đặt chân đến đất rượu xã Văn Giang (Ninh Giang), chúng tôi thấy không khí lao động, sản xuất ở đây cũng nhộn nhịp không kém. Những chiếc máy xay xát gạo nổ giòn, hoạt động không nghỉ để cung cấp gạo cho các hộ nấu rượu của địa phương. Ở các hộ nấu rượu, mỗi người một công việc. Người bắc bếp thổi cơm, người chưng cất rượu. Cả làng nghề hối hả như đang chạy đua với thời gian để kịp có hàng cung cấp cho khách.

Ông Nguyễn Thanh Bạch, cán bộ văn hóa - xã hội xã Văn Giang cho biết: "Xã đang vào mùa làm ăn. Hiện xã có 400 hộ làm nghề nấu rượu nên đi đâu cũng thấy mùi thơm của rượu. Từ trước tới nay, người Văn Giang luôn làm ra loại rượu ngon, trong suốt, vị đượm đà, không gây nhức đầu nên được khách hàng ưa chuộng".

Ngoài những làng nghề, dịp này các gia đình có nghề nấu rượu truyền thống cũng trở nên tất bật vì cần sản xuất một lượng hàng lớn cung cấp cho thị trường.

Đắt khách




Gia đình ông Vũ Xuân Quyền ở thôn 3, xã Văn Giang (Ninh Giang) nấu rượu không kịp bán cho khách


Vào những tháng cuối năm, lượng rượu của xã Văn Giang tiêu thụ gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Người dân ở khắp nơi tìm đến đặt hàng vừa để dùng, vừa làm quà biếu. Trong năm, bình thường mỗi tháng xã cung cấp ra thị trường từ 2.000 - 3.000 lít, vào dịp này tăng lên 4.000 - 5000 lít rượu. Để có đủ rượu cung cấp cho khách, những tháng nhàn rỗi, người dân đã phải nấu rượu tích trữ. Nhưng do dụng cụ, không gian chứa có hạn nên lượng rượu vẫn chủ yếu được nấu trong dịp cuối năm. Thời gian này, gia đình ông Vũ Xuân Quyền ở thôn 3 hầu như gác lại những việc không cần thiết để tập trung vào nấu thêm 2 - 3 nồi rượu (mỗi nồi được 30 lít) nữa mới đủ bán. Trước đây, tranh thủ lúc nông nhàn mỗi ngày gia đình chỉ nấu 3 nồi. "Chúng tôi vừa nhận một đơn hàng 300 lít do một người ở TP Hà Nội đặt. Do chưa đủ rượu, tôi phải xin khất thêm vài ngày nữa", ông Quyền cho biết. Cũng gặp tình trạng cung không đủ cầu như gia đình ông Quyền, gia đình ông Đỗ Văn Bạo ở thôn 2 vừa nhận đơn hàng 600 lít của khách ở tỉnh Quảng Ninh. Ông Bạo cho biết: "Tết đến, các gia đình nhận những đơn đặt hàng với số lượng hàng trăm lít rượu là chuyện bình thường. Tuy vất vả nhưng để đáp ứng được nhu cầu của khách, chúng tôi vẫn cố gắng sản xuất. Đây vừa là dịp tăng thu nhập cho gia đình, vừa để quảng bá đặc sản của quê hương đến các nơi trong và ngoài nước".

Tuy lượng rượu cần cung cấp cho thị trường tăng nhưng các gia đình nấu rượu vẫn không quên giữ uy tín. Hiện nay, gia đình anh Hải ở thôn Phú Lộc vẫn giữ nguyên cách nấu rượu truyền thống. Để rượu bảo đảm chất lượng, anh chọn những loại gạo tốt, lựa chọn nơi cung cấp men chuẩn, nước nấu dùng từ giếng khơi. Gia đình anh bố trí 6 thùng phi để chứa hơn 1.000 lít rượu luân phiên. Trước khi bán ra thị trường, rượu nhà anh thường được hạ thổ 1 tháng để loại bỏ độc tố, nhất là lượng andehit cho nên khách luôn yên tâm khi lấy rượu ở đây.

Anh Vũ Văn Dương ở khu dân cư số 4, thị trấn Ninh Giang chia sẻ: "Do gia đình tôi đông người và hay tập trung con cháu về sum họp nên vào dịp Tết thường cần vài chục lít rượu. Trước đây, gia đình tôi thường hay mua các loại rượu công nghiệp, rượu đóng chai. Thời gian gần đây, gia đình tôi hạn chế dùng những loại rượu này vì không yên tâm về chất lượng. Tôi thường đến các gia đình nấu rượu truyền thống để đặt mua loại ngon nhất về dùng". 

Bên cạnh các loại rượu nấu truyền thống bảo đảm chất lượng được bán ngoài thị trường, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua và không nên dùng tùy tiện. Vì một số người có thể lợi dụng thương hiệu của các làng nghề rượu truyền thống để bán những loại rượu kém chất lượng rất hại cho sức khỏe. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các làng nghề, hộ nấu rượu truyền thống bảo đảm chất lượng rượu và bảo vệ môi trường.    

TRUNG HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề nấu rượu vào vụ Tết