Tình trạng cắt điện luân phiên trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ảnh hưởng nặng nề đến các làng nghề tiểu, thủ công nghiệp, thiệt hại của mỗi hộ dân làm nghề lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày.
Mất điện, những chiếc máy may, máy đóng giày, dép ở làng nghề Hoàng Diệu lại có dịp"nghỉ ngơi"
|
Do thiếu nguồn cung cấp điện, từ cuối tháng 3 đến nay, ngành điện phải thực hiện cắt điện luân phiên trên diện rộng khiến đời sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các làng nghề sản xuất tiểu, thủ công nghiệp (TTCN). Mất điện đồng nghĩa với việc ngừng sản xuất, thiệt hại của mỗi hộ dân làng nghề lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày.
Thiệt hại nặng nềLàng nghề mộc Đông Giao (xã Lương Điền, Cẩm Giàng) vào ngày cắt điện im ắng lạ thường. Hàng trăm chiếc máy cưa, máy đục, máy đánh ráp… thay vì chạy hết công suất nay lại có ngày “được nghỉ ngơi”. Theo lãnh đạo xã Lương Điền, toàn thôn Đông Giao hiện có hơn 98% số hộ tham gia làm nghề. Thời gian gần đây, do bị cắt điện nên làng nghề gặp nhiều khó khăn, bởi phần lớn các công đoạn sản xuất đều phụ thuộc vào điện. Anh Vũ Đình Việt, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Việt Trung, than thở: Từ cuối tháng 3 đến nay, cứ cách một ngày lại cắt điện một ngày, từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, hoạt động sản xuất của gia đình cũng như hàng trăm hộ khác trong làng nghề lâm vào cảnh khốn đốn. Không có điện, toàn bộ máy móc phải ngừng hoạt động, sản phẩm không làm ra trong khi lương công nhân vẫn phải trả đều. Do cắt điện, cơ sở của anh phải hủy rất nhiều hợp đồng, thiệt hại không biết đâu mà kể. Cơ sở có 100 lao động, anh buộc phải cho hơn 30% số lao động tạm dừng việc.
Tại làng nghề chế biến gạo thôn Cậy ( xã Long Xuyên, Bình Giang), những chiếc máy chà bóng gạo, máy xay xát cũng nằm im, những ông chủ cơ sở đứng ngồi không yên vì lo ngại không kịp thời gian giao hàng. Anh Vũ Bá Triều, chủ doanh nghiệp tư nhân Vũ Bá Triều, một trong những cơ sở có lượng xay xát, tiêu thụ gạo lớn nhất thôn Cậy, cho biết: Mất điện gây thiệt hại nhiều quá, công nhân phải nghỉ việc, hàng không có để giao cho các đầu mối, lương công nhân và nhiều chi phí khác vẫn phải trả. Trước đây, trung bình một ngày cơ sở của anh đánh bóng, tiêu thụ hơn 50 tấn gạo thì những ngày mất điện, tranh thủ làm đêm hết mức cũng chỉ được gần 30 tấn, ước tính thiệt hại trung bình mỗi ngày trên 5 triệu đồng. Nhiều gia đình làm nghề khác cũng đang lao đao vì cắt điện. Toàn thôn hiện có hơn 40 máy xay xát gạo và gần chục máy chà bóng, trung bình một ngày cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn gạo, cám các loại, nay do cắt điện, lượng hàng chỉ còn khoảng 60%, thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.
Hàng trăm hộ sản xuất giầy dép da ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cũng như đang ngồi trên đống lửa. Anh Vũ Đình Kiên, chủ cơ sở sản xuất giầy, dép da Kiên Huyền ở thôn Phong Lâm, cho biết: Mất điện, mọi hoạt động tại làng nghề đều bị đình trệ, sản xuất cầm chừng. Để bảo đảm thời gian giao hàng, giữ khách, giữ người lao động, gia đình anh phải đầu tư mua một máy phát điện công suất lớn, khiến chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều trong khi năng suất không tăng. Khi có điện, trung bình một ngày gia đình anh sản xuất khoảng 100 đôi giầy, dép các loại thì khi dùng máy phát điện chỉ sản xuất được khoảng 50 đôi. Tuy vậy, trong số gần 1.000 hộ làm nghề, không phải hộ nào cũng có điều kiện mua máy phát điện công suất lớn. Anh Phạm Khắc Tuyên, chủ cơ sở sản xuất giầy, dép da Tuyên Lan ở thôn Trúc Lâm, cho biết: Mất điện, gia đình đành phải ngừng sản xuất, bởi nếu dùng máy phát điện thì mỗi ngày chi phí tăng lên tới 600 nghìn đồng, một cơ sở nhỏ như gia đình anh không thể chịu được…
Tự tìm cách khắc phụcCắt điện luân phiên và liên tục từ cuối tháng 3 đến nay đã khiến các làng nghề TTCN trong tỉnh lâm vào tình trạng khốn đốn. Tuy nhiên, để giữ mối hàng, giữ chân người lao động, các làng nghề đều phải tự tìm cách đối phó. Bà Lại Ngọc Lan, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Ngọc Lan, ở làng nghề Đông Giao, cho biết: Tình trạng cắt điện luân phiên nhiều ngày qua buộc gia đình bà phải chuyển từ làm ngày sang làm đêm. Vào những ngày mất điện, lao động làm việc từ 8 giờ tối tới khoảng 12 giờ đêm và tranh thủ mấy tiếng buổi sáng sớm. Tuy nhiên, theo bà Lan, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì nếu kéo dài tình trạng làm việc ban đêm, công nhân sẽ không chịu nổi. Gia đình anh Tuyên ở làng Trúc Lâm phải chia từng công đoạn trong sản xuất ra, công đoạn nào không cần đến điện sẽ làm ban ngày. Bác Trần Thị Phú, chủ một cơ sở xay xát gạo ở thôn Cậy, Long Xuyên (Bình Giang) tự tìm cách khắc phục là tranh thủ làm vào ban đêm, những ngày có điện thì phải hoạt động hết công suất để bù đắp cho những ngày mất điện.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở các làng nghề TTCN, biện pháp khắc phục nào thì cũng chỉ là tạm thời, mang tính chất tình thế. Điều mà họ mong muốn nhất hiện nay là ngành điện nên xem xét thời gian cắt điện hợp lý hơn, ưu tiên cho một số làng nghề TTCN có lượng lao động lớn, giúp cho làng nghề hoạt động ổn định.
HÀ VY