Làng nghề hối hả vào vụ Tết

24/01/2014 02:04

Những ngày này, không khí lao động sản xuất tại các làng nghề ở Tứ Kỳ hết sức sôi động...


Các hộ sản xuất bánh đa ở thôn Độ Trung, xã Đại Hợp đang hoạt động hết công suất phục vụ thị trường Tết

Những ngày này, không khí lao động sản xuất tại các địa phương có làng nghề ở Tứ Kỳ hết sức sôi động, nhộn nhịp. Tết là thời điểm tiêu thụ hàng hóa mạnh nhất trong năm nên cơ sở nào cũng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Về thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) những ngày áp Tết, chúng tôi gặp không khí lao động khẩn trương ở những gia đình chuyên sản xuất hương. Tại xưởng sản xuất hương của gia đình anh Phạm Văn Nhật, hàng chục lao động đang miệt mài trộn nguyên liệu, xe hương, bó, phơi và đóng gói sản phẩm. Thuận lợi đối với nghề sản xuất hương trong dịp này là thời tiết luôn khô ráo, vì thế số lượng hương làm ra cũng tăng lên nhiều. Anh Nhật cho biết: "Nhiều năm theo nghề sản xuất hương, tôi thấy càng về Tết nhu cầu tiêu thụ hương càng cao. Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được 3-4 tạ hương, gấp đôi những ngày bình thường trong năm".

Theo các hộ sản xuất hương ở thôn Xuân Nẻo, năm nay giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh nên họ cũng gặp đôi chút khó khăn. Tuy vậy, do chủ động nguồn nguyên liệu nên gia đình nào cũng có việc để làm trong dịp Tết. Vào thời điểm trước Tết, nhiều thương nhân đã đến đặt hàng. Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng thôn Xuân Nẻo cho biết: "Cả thôn hiện có trên 10 hộ sản xuất hương với quy mô lớn, những hộ còn lại chỉ tham gia làm hương vào cuối năm để phục vụ Tết. Các hộ sản xuất quanh năm, nhưng sôi động nhất vẫn là dịp áp Tết. Nghề làm hương đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Nghề này cũng không kén nhân lực nên tận thu được tất cả sức lao động nhàn rỗi, ai cũng có thể tham gia được".

Về làng Độ Trung, xã Đại Hợp - nơi có nghề làm bánh đa lâu năm, chúng tôi thấy khắp các ngả đường vào làng đâu đâu cũng có người đang phơi bánh đa. Mới tờ mờ sáng, nhiều gia đình đã bắt tay vào việc với các công đoạn như nhóm lửa, nặn bột, tráng bánh… để khi mặt trời vừa nhô cũng là lúc những vỉ bánh đầu tiên được mang ra phơi. Dịp Tết, nhu cầu khách hàng tăng cao nên cả gia đình ông Nguyễn Đức Doanh phải dậy từ sáng sớm để làm việc. Bên bếp than đỏ lửa, con trai ông Doanh khéo léo múc bột đổ vào khuôn, chờ bánh chín dùng ống lấy bánh trải đều lên vỉ tre. Vợ ông Doanh cặm cụi gỡ và xếp bánh. Cứ thế, mỗi người một việc, ai nấy không ngơi tay. Gia đình ông Doanh có 1 lò bánh. Trung bình mỗi ngày, nhà ông bán 2-2,5 tạ bánh đa với giá 16 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi được 250-300 nghìn đồng. Ngày Tết làm nhiều hơn so với ngày thường nên lãi càng cao.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Hải, chúng tôi cũng gặp không khí lao động rất khẩn trương. Anh Hải cho biết: “Ngày thường, gia đình chỉ làm đến 3 giờ chiều là nghỉ, còn những ngày này làm đến tận tối. Ngày Tết, nhà tôi chuẩn bị khoảng 40 - 50 kg gạo để xay thành bột, nhiều gần gấp đôi ngày thường. Tuy mệt nhưng vui, vì làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó”.

Làng sản xuất bánh đa Độ Trung có từ lâu đời, cao điểm có tới hơn 90% số hộ trong thôn làm nghề. Sản phẩm của làng không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh phía Bắc. Mỗi ngày trung bình một máy làm được 2-3 tạ bánh đa, riêng những ngày áp Tết, sản lượng tăng lên gấp đôi. Những người làm bánh đa ở đây cho biết, để có bánh đa ngon thì phải chọn được gạo "chuẩn", chủ yếu là 13/2 và Q5. Nghề làm bánh đa đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân thôn Độ Trung. Mỗi gia đình làm nghề có thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Tết Giáp Ngọ đã cận kề, các làng nghề ở huyện Tứ Kỳ đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời giúp các gia đình có thêm nguồn thu nhập lo cho cái Tết thêm ấm no, sung túc.

TIẾN MẠNH - KIM NGÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề hối hả vào vụ Tết