Làng nghề gạch không nung gặp khó

22/04/2012 07:08

Các cơ quan chức năng cần có chính sách thích hợp để phát triển loại vật liệu không nung nói chung, phát triển làng nghề gạch ba banh nói riêng.


Gạch ba banh Lấu Khê khó cạnh tranh được với 4 lò gạch đất sét nung nằm ngay trong thôn

Sáu năm sau ngày đón bằng công nhận làng nghề gạch không nung, thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát (Nam Sách) chỉ còn thưa thớt vài hộ làm nghề, sản xuất cũng không còn rầm rộ như trước.

Năm 1985, 2 người làng làm công nhân tại một nhà máy ở Phả Lại (Chí Linh) học được nghề làm gạch ba banh đã trở về địa phương làm thử. Thấy có hiệu quả nên người dân trong làng bắt đầu học theo và phát triển sản xuất. Lúc cao điểm, thôn có 150 hộ sản xuất gạch ba-banh, chiếm đến 80% số hộ. Đây là địa phương làm gạch không nung đầu tiên của tỉnh Hải Dương được công nhận làng nghề. Danh hiệu làng nghề đã phần nào khẳng định vị thế của Lấu Khê về nghề đóng gạch ba banh, đồng thời cũng mang đến cho nhiều người dân hy vọng về cơ hội phát triển nghề này.

Về Lấu Khê bây giờ, con đường dài hàng trăm mét từ đê dẫn vào làng nghề vẫn là đường đất. Một bên đường là bãi bồi trồng rau xanh, một bên là 4 lò gạch nung liên tục kiểu đứng tỏa khói nghi ngút. Không ai nghĩ đây từng là làng nghề đóng gạch ba banh. Men theo đường trong làng ra sân làng nghề, nơi tập trung các hộ đóng gạch ba banh, chỉ còn thấy lưa thưa vài hộ làm nghề. Ông Đặng Đức Đoàn, Trưởng thôn Lấu Khê cho biết: "Từ ngày công nhận làng nghề, người dân chưa được hỗ trợ về vốn, thị trường hay công nghệ sản xuất. Bây giờ làng chỉ còn 8 hộ đóng gạch ba banh". Gạch không nung ở Lấu Khê đều là gạch ba banh, tận dụng xỉ than trộn với vôi và cát. Trước kia, người dân vẫn đóng gạch theo phương pháp thủ công, 3 năm trở lại đây, các hộ đã áp dụng máy móc trong sản xuất, từ đó tăng năng suất, chất lượng gạch, giảm ngày công. Những hộ sản xuất gạch cho biết, thời điểm này giá nguyên vật liệu tăng cao, xăng dầu lên giá, dẫn đến vốn đầu tư gấp nhiều lần. Một xe xỉ than 10 khối trước kia giá 1,6 triệu đồng, nay là 2,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí điện chạy máy móc, chi phí thuê nhân công ngày một tăng. Trong khi, giá gạch gần như không tăng khiến cho các hộ sản xuất không mấy mặn mà.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến làng nghề gạch không nung ở Lấu Khê đang dần bị mai một là do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Gạch ba banh nhẹ, giá rẻ, có khả năng chịu ẩm tốt nhưng chịu lực kém, thiếu thẩm mỹ so với gạch đất nung và những loại gạch không nung khác, trong khi giá lại đắt gấp 2-3 lần. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, người dân chỉ còn dùng gạch ba banh làm móng nhà, công trình phụ, tường bao. Trước kia, gạch ba banh Lấu Khê bán rộng khắp các huyện trong tỉnh, sang cả Bắc Giang nhưng hiện nay chỉ còn bán lẻ tẻ ở vài nơi. Anh Bông, một trong những hộ còn sản xuất gạch ba banh ở thôn Lấu Khê cho biết: “Trong làng chỉ còn những người trung tuổi làm gạch, còn thanh niên đi làm công nhân, đi xuất khẩu lao động và làm ngành nghề khác thu nhập cao hơn chứ không có ai muốn theo nghề này nữa”. Khi được hỏi có chính sách quản lý hay phát triển làng nghề thế nào, ông Lê Văn Căn, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Cát cho biết: "Xã không có chính sách gì để phát triển làng nghề vì thực tế bây giờ khả năng tiêu thụ gạch ba banh không mạnh như trước. Nếu thị trường tiêu thụ tốt thì phong trào sản xuất lại tốt lên thôi”.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567 về “Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020" có đề cập đến mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung tiến tới dần thay thế vật liệu xây dựng bằng gạch đất sét nung. Các cơ quan chức năng cần có chính sách thích hợp để phát triển loại vật liệu không nung nói chung, phát triển làng nghề gạch ba banh nói riêng như việc quy hoạch sản xuất, hỗ trợ vốn, hỗ trợ cải tiến công nghệ sản xuất...

HÀ DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề gạch không nung gặp khó