Các cơ sở sản xuất ở làng nghề chổi chít Lý Đỏ, xã Tân Việt (Bình Giang) vừa tích cực phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Mỗi ngày, cơ sở chổi chít Quảng Hương sản xuất 10 vạn chiếc chổi
Đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất ở làng nghề chổi chít Lý Đỏ, xã Tân Việt (Bình Giang) nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm cho người lao động.
Tại cơ sở sản xuất chổi chít Kiên Thái vào một buổi sáng đầu tháng 6, 25 lao động miệt mài làm việc, người khâu chổi, người bó đót, người quấn cán chổi… Mọi người đều đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Ông Nguyễn Trung Kiên, chủ cơ sở sản xuất chổi chít Kiên Thái cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cơ sở gặp khó khăn trong khâu nhập nguyên liệu và tiêu thụ. Nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội nên dù có sẵn các mối tiêu thụ nhưng cơ sở không thể giao hàng được. Một số nguyên liệu làm chổi như cán tre, cán nhựa, dây quấn khó nhập được từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang như trước. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, ông Kiên tạo điều kiện để người lao động mang nguyên liệu về nhà làm. Cơ sở tích cực khai thác các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mỗi ngày, cơ sở vẫn sản xuất từ 1.200-1.500 chiếc chổi, lượng hàng chưa tiêu thụ được dự trữ trong kho. “Dù đầu ra khó khăn, lượng hàng dự trữ trong kho còn nhiều nhưng cơ sở vẫn duy trì sản xuất, để người lao động có việc làm, thu nhập trong mùa dịch”, ông Kiên nói.
Bà Nguyễn Thị The ở thôn Tân Hưng (xã Tân Việt) đã làm ở cơ sở sản xuất chổi chít Kiên Thái được hơn 2 năm nay. Bà phụ trách công đoạn khâu chổi. Mỗi ngày, bà The khâu khoảng 400 chiếc, thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Bà The cho biết dù dịch nhưng công việc ở xưởng vẫn được duy trì. Ở độ tuổi ngoài 50 như bà, tìm được công việc ổn định với thu nhập như vậy là rất quý. Hơn nữa, chủ xưởng tạo điều kiện cho người lao động nghỉ khi tới mùa vụ hoặc nhà có việc nên họ rất yên tâm, gắn bó với xưởng.
Cơ sở sản xuất chổi chít Quảng Hương của gia đình anh Lê Văn Quảng là một trong những cơ sở quy mô lớn của thôn Lý Đỏ. Gia đình anh có 5 xưởng sản xuất chổi chít, trong đó 3 xưởng ở thôn Lý Đỏ, 2 xưởng khác tại các xã Thái Hòa, Vĩnh Hồng (cùng huyện Bình Giang). Các xưởng sản xuất chổi chít tạo việc làm ổn định cho 120 người trong và ngoài xã với mức thu nhập từ 4-10 triệu đồng/người/tháng. Trước khó khăn, cơ sở của gia đình anh Quảng lại tìm hướng đi mới để duy trì và phát triển nghề. Cơ sở tập trung vào các đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Cộng hòa Séc thay vì tiêu thụ nội địa. Dù dịch bệnh nhưng mỗi tháng cơ sở vẫn tiêu thụ 40 tấn chít nguyên liệu, sản xuất 10 vạn chổi. Tùy thời điểm, cơ sở sẽ điều chỉnh lượng hàng xuất khẩu, tiêu thụ trong nước phù hợp. Hiện lượng hàng xuất khẩu chiếm khoảng 70%, còn lại tiêu thụ trong nước. Cơ sở sản xuất của gia đình anh Quảng có 16 mẫu chổi chít các loại. Các mẫu chổi thông dụng có giá từ 17.000-20.000 đồng/chiếc, các mẫu chổi đẹp, chất lượng hơn 25.000 đồng/chiếc. Anh Quảng cho biết hiện giá nguyên liệu như dây thép, dây nhựa đều tăng so với trước nên chi phí sản xuất chổi cũng tăng. Tuy nhiên, cơ sở vẫn giữ nguyên giá bán chổi, chấp nhận lợi nhuận giảm để giữ chân khách hàng và thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng để tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.
Mỗi tháng, cơ sở sản xuất chổi chít Hiếu Hoa ở đây sản xuất được 1,5 vạn chổi, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động ở địa phương. Mặc dù hàng tiêu thụ chậm nhưng cơ sở vẫn duy trì sản xuất. Anh Vũ Đình Hiếu, chủ cơ sở sản xuất chổi chít Hiếu Hoa chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi gặp khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, mặt bằng để xây nhà xưởng, nhà kho; khó về đầu ra sản phẩm do dịch bệnh. Tôi mong các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất làng nghề”.
Ông Nghiêm Văn Đoán, Phó Bí thư, Phó Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Lý Đỏ cho biết Lý Đỏ được công nhận làng nghề chổi chít năm 2015. Toàn thôn có khoảng 10 cơ sở sản xuất chổi chít, tạo việc làm cho gần 500 lao động địa phương và những nơi khác. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm chổi chít Lý Đỏ còn xuất khẩu đi nước ngoài. “Thời gian qua, các cơ sở sản xuất chổi chít ở địa phương đã chủ động khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, tìm đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm để đứng vững trong mùa dịch, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Đoán nói.
HÀ NGA