Mỗi năm,, nghề chế tác vàng bạc đã mang về cho xã Thúc Kháng khoảng 30 tỷ đồng.
|
Anh Thọ đang kéo bạc |
Nơi chúng tôi đến là xưởng sản xuất của gia đình anh Phạm Đình Thọ 34 tuổi ở thôn Lương Ngọc. Tuy còn trẻ, nhưng anh Thọ khá sắc sảo trong kinh doanh.
Anh Thọ theo học ngành kim hoàn truyền thống và đến cuối năm 2006, anh được Trung ương Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam cấp giấy chứng nhận bậc thợ 5/7. Khi đã có nghề, anh Thọ làm đơn đề nghị tổ chức Đoàn hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2009, anh được vay 20 triệu thuộc chương trình giải quyết việc làm. Anh mở xưởng sản xuất tại gia đình, tuyển thêm lao động. Hiện nay, xưởng của anh thường xuyên có 5 - 7 thợ làm việc tại chỗ hoặc nhận nguyên liệu về gia công chế tác tại nhà, sau đó anh nhận sản phẩm đã hoàn thiện bán buôn cho các đại lý. Anh cho biết: Thời gian vừa qua, tuy giá cả nguyên liệu (bạc, vàng) tăng nhanh nhưng trừ các khoản chi phí về nguyên vật liệu, công thợ... mỗi năm gia đình anh lãi ròng khoảng 200 triệu đồng.
Rời nhà anh Thọ, chúng tôi tới thăm đại lý thu gom sản phẩm của vợ chồng anh chị Nguyễn Huy Thái - Phạm Thị Lĩnh. Rất may, vợ chồng anh Thái đều có nhà. Trong gian chính, bên cạnh bộ bàn ghế tiếp khách là quầy trưng bầy sản phẩm. Có đến hơn 20 khay i-nốc đựng các loại sản phẩm (mỗi loại sản phẩm lại có vài chục kiểu dáng, kích cỡ) khác nhau: dây chuyền bạc, vòng, khuyên tai, mặt đá... Vợ chồng anh không trực tiếp sản xuất mà mua hàng của thợ trong làng rồi xuất bán đi khắp nơi trong cả nước. Chị Lĩnh cho biết: không ai muốn buôn bán mà lỗ. Tuy nhiên, do giá vàng bạc tăng nhanh nên lúc giao hàng tính có lãi nhưng khi nhận được tiền lại không đủ mua số nguyên liệu ban đầu. Biết vậy nhưng vẫn phải theo bởi có thể thua lúc này, thắng lúc khác.
Chuyện cụ thể của từng xưởng thợ, từng đại lý là vậy, nhưng theo nhận xét, đánh giá của ông Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Cường, mỗi năm nghề chế tác vàng bạc đã mang về cho Thúc Kháng khoảng 30 tỷ đồng. Đó là con số không nhỏ, là cái lộc trời do ông tổ làng nghề Lưu Xuân Tín ban cho hậu duệ.
Tương truyền, dưới triều Lê, đời vua Lê Thánh Tông (1640-1497) có ông Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê làm Thượng thư Bộ Lại, được vua cho phép lập xưởng đúc bạc nén ở kinh thành để làm tiền tệ lưu hành trong nhân dân. Ông đã đưa người làng Châu Khê ra làm nghề này. Tuy có lúc thăng, lúc trầm nhưng nghề chế tác vàng bạc ở Thúc Kháng vẫn được nâng niu, gìn giữ và phát triển suốt mấy trăm năm qua.
Trong thời kỳ đổi mới, nghề mỹ nghệ kim hoàn Châu Khê được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Những nghệ nhân già đã nhanh chóng truyền nghề cho con cháu và 12 người thợ chế tác vàng bạc tài hoa ở Thúc Kháng đã được Trung ương Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng, làng Châu Khê có 375 lao động làm nghề, chiếm 78,1%, doanh thu đạt 16 tỷ 800 triệu đồng. Không dừng lại ở việc truyền nghề cho con cháu, các nghệ nhân vàng bạc làng Châu Khê đã đào tạo, giải quyết việc làm cho hàng ngàn thợ trẻ ở trong và ngoài xã.
Lương Ngọc là làng lớn, giáp ranh với Châu Khê. Thấy được hiệu quả kinh tế của nghề chế tác vàng bạc mang lại và thấm nhuần sâu sắc lời dậy của người xưa "Buôn có bạn, bán có phường", những người làm nghề ở Lương Ngọc đã tập hợp nhau lại, thành lập hợp tác xã để mở rộng kinh doanh. Làng có 800 trong tổng số 962 lao động làm nghề, chiếm tỷ lệ 83,1%, doanh thu 9 tỷ 610 triệu đồng. Những tay thợ giỏi của làng nghề Châu Khê, Lương Ngọc đã đi khắp các tỉnh trong cả nước lập xưởng, mở cửa hiệu buôn bán vàng bạc. Với sức trẻ, tính năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều người đã trở thành giám đốc, xưởng trưởng; niều người trở thành tỷ phú.
Căn cứ kết quả khôi phục và phát huy nghề chế tác vàng bạc đã có tuổi đời mấy trăm năm, năm 2004, UBND tỉnh Hải Dương đã công nhận Châu Khê và năm 2010 công nhận Lương Ngọc là làng nghề truyền thống.
Những người thợ kim hoàn thời nay đã làm rạng rỡ thêm nghiệp tổ tông không chỉ bởi các sản phẩm do họ chế tác đã có mặt khắp các địa phương trong cả nước và trên thế giới; mà còn vinh dự là 1 trong 5 làng nghề truyền thống trong cả nước được tham gia Lễ rước Tổ nghề tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vào ngày 17-9-2010.
NGUYỄN ĐỌC