Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các làng nghề đều có phương án sản xuất hợp lý, vừa cung cấp nhu yếu phẩm cho thị trường, vừa phòng chống dịch.
Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình bà Hợp chủ động điều chỉnh sản lượng bánh gai vào dịp Tết
Còn khoảng hơn 1 tuần nữa tới Tết Nguyên đán, là thời điểm để các làng nghề vào vụ chính trong năm, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các làng nghề đều kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất cho phù hợp.
Sẵn hàng phục vụ Tết
Bánh gai Ninh Giang vốn là đặc sản nổi tiếng của Hải Dương. Các cơ sở sản xuất ở đây thường làm việc quanh năm, nhưng Tết vẫn là thời gian tấp nập, nhộn nhịp nhất. Đến thời điểm này, hộ bà Lê Thị Hợp, chủ thương hiệu bánh gai Bà Thanh Tới - hộ sản xuất bánh gai lớn nhất thị trấn Ninh Giang đã chuẩn bị xong nguyên liệu làm bánh. Từ đỗ, gạo, gấc, lá gai, dừa, lá chuối đều được gia đình nhập đủ số lượng chuẩn bị làm hàng phục vụ Tết. “Sản phẩm đạt chất lượng nhất phải được làm từ những nguyên liệu ngon, sạch nhất. Do đó, ngoài chủ động tìm nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, chúng tôi luôn coi trọng từng khâu chế biến. Vào dịp Tết, lượng hàng lớn nên càng phải chú trọng chất lượng”, anh Nguyễn Văn Dương, quản lý cửa hàng cho biết.
Hiện nay mỗi ngày cửa hàng này bán khoảng 1.000 chiếc bánh gai. Vào dịp Tết lượng bánh tiêu thụ tăng rất cao như dịp Tết Canh Tý 2020, mỗi ngày cửa hàng xuất bán khoảng 10.000-20.000 chiếc. Để bảo đảm cung ứng lượng hàng lớn, vào dịp cuối năm, xưởng sản xuất của gia đình phải tăng thêm từ 20 - 30 công nhân làm việc liên tục đến tối 30 Tết. Mọi năm cửa hàng chỉ đóng cửa duy nhất ngày mùng 1 Tết, mùng 2 cửa hàng và xưởng trở lại hoạt động bình thường. Do bánh gai có hạn sử dụng 3 ngày nên cửa hàng chỉ sản xuất và bán hết ngay trong ngày. Ngoài công đoạn gói bằng tay, nhiều công đoạn khác đã được gia đình bà Hợp làm bằng máy như trộn nhân, nặn nhân; lò hơi hấp bánh bằng điện...
Tại thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) hiện có khoảng 20 hộ sản xuất giò chả, mỗi hộ bán ra thị trường từ 30 - 100 kg giò chả/ngày. Gia đình chị Lê Thị Hòa ở đường Lạc Long Quân là hộ có số lượng xuất bán ra thị trường lớn nhất, khoảng 100 kg giò chả, mọc, xúc xích/ngày. Vào dịp Tết, nhu cầu tăng, cao điểm từ 23 tháng chạp. Để đáp ứng nhu cầu, nhà chị Hòa đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ rất sớm. Các chất phụ gia đều được gia đình chị ký kết hợp đồng với những công ty uy tín. Thịt lợn để làm giò chả chị Hòa cũng phải đặt hàng từ khoảng tháng 11 âm lịch, lựa chọn những nhà cung cấp thịt tươi ngon trong vùng. Tết Canh Tý 2020, xưởng sản xuất giò chả của gia đình chị Hòa cung cấp ra thị trường khoảng 500 kg/ngày. Gia đình chị đã đầu tư hệ thống nồi hơi, bếp từ, máy hút chân không, tủ đông... để sản xuất và bảo quản sản phẩm.
Sản xuất theo đơn đặt hàng
Đang bước vào thời gian cao điểm làm hàng phục vụ Tết, thì ngày 28.1 dịch Covid-19 đã bùng phát ở TP Chí Linh và lan sang một số địa phương khác. Trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, làng sản xuất bánh đa Tống Buồng, phường Thái Thịnh (Kinh Môn) từ ngày 29.1 buộc phải dừng sản xuất để phòng chống dịch. Theo bà Nguyễn Thị Mai, gia đình bà sản xuất và tiêu thụ khoảng 30 - 50 kg bánh tuỳ phiên chợ. Để chuẩn bị cho nguồn hàng cuối năm phục vụ Tết, gia đình bà đã nhập nhiều nguyên liệu. Nhưng để bảo đảm phòng chống dịch, gia đình bà đã tạm dừng sản xuất. Dù vậy, khách hàng cũng không lo thiếu hàng dịp Tết bởi nhiều hộ trong làng đều sản xuất hàng khô từ cuối tháng 11 âm lịch. Hầu hết các hộ cũng không nhận đơn bán lẻ từ cuối tháng 10 âm lịch mà tập trung cho các đơn hàng lớn. “Khoảng 2 hôm nay gia đình tôi phải nghỉ nhưng lượng hàng khô vẫn còn để phục vụ”, bà Mai nói.
Dè chừng là tâm lý chung của nhiều hộ, nhiều làng nghề sản xuất hàng vào dịp Tết do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu mọi năm, đây là thời gian cao điểm thì năm nay chắc chắn nhu cầu mua sắm của người dân sẽ giảm. “Dù nguyên liệu đã được nhập về trong kho nhưng chúng tôi cũng chờ xem tình hình dịch có được kiểm soát nhanh hay không mới dám sản xuất giò chả. Chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, mỗi ngày chỉ làm dư một vài cân, không dám sản xuất nhiều như mọi năm tránh hàng tồn”, chị Hòa chia sẻ.
Trước đây, ngoài bán cho khách địa phương, cửa hàng bánh gai của gia đình bà Hợp còn bán nhiều cho khách thập phương về chiêm bái đền Tranh. Thế nhưng theo chỉ đạo mới về phòng chống dịch, di tích phải đóng cửa nên chắc chắn năm nay lượng hàng bán ra sẽ ít hơn. “Nhà tôi thường sản xuất và bán hàng đi trong ngày nên nhu cầu người dân giảm chúng tôi cũng phải giảm theo. Khi nào nhu cầu tăng trở lại chúng tôi mới tăng sản lượng”, bà Hợp chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng hơn 10 làng nghề sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, rượu. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các làng nghề đều có phương án sản xuất hợp lý, vừa cung cấp nhu yếu phẩm cho thị trường, vừa phòng chống dịch.
THANH HOA