Làng “Năng suất xanh” chỉ còn là hư danh

04/02/2012 07:07

Nếu như trước đây, thôn Mạn Đê từng là điển hình về bảo vệ môi trường thì hơn 2 năm trở lại đây biến đổi theo hướng tiêu cực.



Nước thải từ cơ sở sản xuất của gia đình anh Trịnh Huy Phiên gây  ô nhiễm
khu vực dân cư xung quanh


Năm 2002, thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) được công nhận là làng nghề “Năng suất xanh” chuyên chế biến nông sản (sấy khô hành, tỏi, gừng, riềng) tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thôn được hỗ trợ kinh phí để bê-tông hóa đường làng, 5 xe thu gom rác thải và công nghệ sản xuất mới cho các chủ cơ sở sản xuất trong thôn nhằm tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thôn đã xây dựng Quy ước Bảo vệ môi trường gồm 4 chương, 13 điều quy định rõ công tác bảo vệ môi trường và mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm. Xây dựng nhóm “Năng suất xanh” (NSX) gồm 6 người, hoạt động bằng kinh phí do nhân dân đóng góp. Nhóm kết hợp với các đoàn thể trong thôn thường xuyên thu gom rác thải làng nghề, rác thải sinh hoạt, kết hợp với việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.


Nếu như trước đây, thôn Mạn Đê từng là điển hình về bảo vệ môi trường thì hơn 2 năm trở lại đây biến đổi theo hướng tiêu cực. Rác thải từ các cơ sở sản xuất không có chỗ xử lý, chất đống trước cửa nhà, trên đường làng. Nhiều hộ dân đã mang đổ rác xuống các ao, hồ, mương máng, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, đa số các hộ dân trong thôn vẫn sử dụng nước giếng khơi để sinh hoạt. Cơ sở sản xuất của gia đình anh Trịnh Huy Phiên ở đội 5, thôn Mạn Đê hằng ngày chế biến hàng tấn nông sản, thường xuyên thải nước rửa có lẫn vỏ hành, tỏi ra đường. Nước thải không có chỗ tiêu thoát chảy lênh láng trên đường thôn, lâu ngày bốc mùi khó chịu, gây búc xúc cho người dân xung quanh. Mặc dù đã được chính quyền địa phương nhắc nhở nhiều lần nhưng gia đình anh Phiên vẫn chưa có biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm.

Hiện tại, thôn có 4 doanh nghiệp tư nhân và hơn 100 cơ sở chuyên thu mua, chế biến nông sản. Do trực tiếp sử dụng nguyên liệu tươi để chế biến nên lượng rác thải ra từ các cơ sở rất lớn. Ví dụ, mua 1 tấn hành củ tươi sẽ thải ra hơn 2 tạ phế phẩm. Mua nông sản đã được phơi khô thì lúc sấy vẫn phải bóc vỏ. Hầu hết các hộ sấy bằng công nghệ lò thổi, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo ông Hồ Xuân Sở, Trưởng thôn Mạn Đê, trước đây, người dân rửa nông sản bằng phương pháp thủ công, chỉ làm sạch đất ở bề ngoài củ thì nay áp dụng máy rửa không những làm sạch đất, cát mà còn cạo bỏ lớp vỏ ngoài khiến cho nước thải có lẫn vỏ củ làm ách tắc dòng chảy, lâu ngày gây ô nhiễm nguồn nước. Từ 30 - 40 chục hộ làm nghề nay tăng lên hơn 100 hộ cũng là nguyên nhân khiến tình hình ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Điều quan trọng nhất là thôn Mạn Đê không duy trì được nhóm NSX do không đủ kinh phí để hoạt động. Đã hơn 7 tháng nay, các hộ chế biến nông sản tự tìm chỗ đổ rác. Gia đình nào không có chỗ đổ rác phải thuê xe tải nhỏ đến chở với giá 50 nghìn/chuyến. Trong thôn cũng không có hệ thống cống rãnh để tiêu thoát nước thải. Theo ông Lê Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Nam Trung, xã đã có kế hoạch đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng 500 m kênh thoát nước thải trong thôn Mạn Đê và công trình cấp nước sạch nhưng chưa tìm được nguồn kinh phí. Mặt khác, xã còn gặp khó khăn trong việc trích quỹ đất để quy hoạch bãi rác tập trung.

Nhiều người dân cho rằng, do chính quyền địa phương thờ ơ với công tác vệ sinh môi trường nên không thể "vực lại" hoạt động của nhóm NSX. Địa phương thì đổ lỗi cho một bộ phận người dân không đóng phí nên đội thu gom rác không có kinh phí để hoạt động. Trước mắt, nhân dân và chính quyền thôn Mạn Đê phải đồng lòng, đồng sức tìm cách khôi phục hoạt động của nhóm NSX. Nhóm không chỉ có nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh môi trường mà còn phải đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Các hộ chế biến nông sản trong thôn cần áp dụng công nghệ xử lý rác thải đúng quy định. Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động của nhóm NSX như cử người đi học lớp bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường, cách xử lý rác thải...

NSX là chương trình của tổ chức Năng suất châu Á (APO) được đưa ra vào năm 1994. Ý nghĩa của NSX là gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, nhằm hướng tới phát triển bền vững. Chương trình được Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào tỉnh ta từ năm 2003, áp dụng cho làng nghề. Sau này, chương trình được mở rộng với tên gọi là “Cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ môi trường”, nhằm xã hội hóa bảo vệ môi trường, thay đổi nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống xanh-sạch-đẹp.




LÊ HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng “Năng suất xanh” chỉ còn là hư danh