Đến giờ chưa một hộ nào trong thôn Nam Hải, xã Kênh Giang (Chí Linh) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Không có sổ đỏ để thế chấp vay vốn nên nhiều xưởng sản xuất ở Kênh Giang không thể mở rộng quy mô sản xuất
Các hộ dân ở thôn Nam Hải, xã Kênh Giang (Chí Linh) sống chủ yếu bằng nghề vận tải thủy và chài lưới. Mặc dù đã ổn định trên bờ mấy chục năm nay song đến giờ chưa một hộ nào trong thôn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Phận sống nhờ
Thôn Nam Hải hiện có 172 hộ, trong đó khoảng 2/3 số dân sống trên bờ, còn lại lênh đênh trên thuyền. Theo ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Kênh Giang, từ năm 1948, những người dân chài ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) đến ở đất Kênh Giang lập nên làng Nam Hải. Từ đó đến nay đã mấy chục năm người Nam Hải lên bờ định cư song chưa có bất cứ hộ nào được cấp sổ đỏ.
Nguyên nhân do Kênh Giang nằm trên đất Đông Triều (Quảng Ninh). Trước đây Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương. Khi Đông Triều được cắt chuyển cho tỉnh Quảng Ninh, người dân Kênh Giang thành người ở nhờ. Các cấp lãnh đạo của 2 tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc song vẫn chưa tìm được sự thống nhất.
Không chỉ người dân thôn Nam Hải không có sổ đỏ mà UBND xã, trường học, trạm y tế... đều đặt nhờ trên đất thị xã Đông Triều. Vừa qua, xã Kênh Giang xây dựng trường tiểu học phải qua rất nhiều thủ tục mới được phía thị xã Đông Triều chấp thuận cho xây dựng. Trên bản đồ tỉnh Hải Dương, Kênh Giang chỉ có mấy chục ha nằm trên bãi bồi Tân Lập ở giữa sông.
Trước vấn đề này, năm 2006 khi Đoàn Đại biểu Quốc hội về tiếp xúc với cử tri ở thị xã, đại diện cử tri xã Kênh Giang kiến nghị các cơ quan liên quan cấp sổ đỏ cho dân. Sau đó, phía Quảng Ninh đã đo đạc để cấp sổ đỏ cho người dân Nam Hải. Tuy nhiên, nguyện vọng của các hộ muốn nhận sổ đỏ do tỉnh Hải Dương cấp. Từ đó việc cấp sổ đỏ cho người dân Nam Hải đi vào bế tắc, không tìm được cách tháo gỡ. Trong các kỳ họp HĐND cũng như báo cáo hằng năm, UBND xã Kênh Giang đều đề đạt nguyện vọng được cấp sổ đỏ nhưng không có kết quả.
Trong buổi làm việc với xã Kênh Giang vào tháng 3 vừa qua, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Chí Linh đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, các phòng, ban liên quan và UBND xã Kênh Giang lập danh sách các hộ thuộc diện cần cấp sổ đỏ để thị xã có hướng giải quyết. Đến nay, danh sách đã lập xong và chuyển về UBND thị xã.
Thiệt đủ đườngVì không có sổ đỏ, người dân Nam Hải thiệt đơn, thiệt kép. Đơn cử, tháng 9-2009 tỉnh có cuộc khảo sát để lập đề án xây dựng chung cư nhằm đưa nhiều hộ dân ở Nam Hải đang lênh đênh sông nước lên bờ ổn định cuộc sống. Nhưng khi đề án được phê duyệt, triển khai thì vướng phải rào cản là xã không có đất. Từ đó đến nay, đề án vẫn nằm trên giấy.
Nhưng thiệt thòi lớn nhất của người dân Nam Hải là không thể vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Ông Đào Văn Hè, Trưởng thôn Nam Hải cho biết tiềm năng vận tải thủy ở Kênh Giang rất lớn. Xã hiện có 34 phương tiện vận tải thủy. Trung bình mỗi tháng, mỗi tàu cho thu nhập từ 30-50 triệu đồng. Những ngôi nhà hai, ba tầng khang trang đang mọc lên trên đất Kênh Giang cũng chính nhờ phát triển vận tải thủy. Tuy nhiên, để đóng mới được một con tàu đòi hỏi số vốn rất lớn, trung bình từ 1,5-2 tỷ đồng. Vì không có sổ đỏ nên họ khó vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ phải chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất cao. Gia đình ông Hè có nhà và mảnh đất 180m2 song mấy chục năm nay vẫn chưa có sổ đỏ. Mấy năm trước, khi ông đóng tàu phải vay toàn bộ bằng vàng, đến khi trả nợ một chỉ phải trả gấp ba.
Việc không có sổ đỏ còn khiến các xưởng sản xuất ở Kênh Giang khó mở rộng quy mô. Gia đình ông Phùng Văn Hà ở thôn Nam Hải mở xưởng đóng tàu từ nhiều năm nay. Xưởng của ông hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Trung bình 2-4 tháng, xưởng của ông hạ thủy một con tàu. Nhiều lúc khách đến đặt tàu song không có vốn làm ăn, đành để mất mối hàng.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân nơi này.
NGỌC HÙNG