Dọc các con đường trong làng đầy những nong phơi tăm tre đỏ rực xòe ra như những đóa hoa trăm nghìn cánh...
Người dân làng hương Phúc Thành tất bật chuẩn bị hàng Tết
Làng nghề làm hương thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành (Kim Thành) những ngày cuối năm thật tất bật. Dọc các con đường trong làng đầy những nong phơi tăm tre đỏ rực xòe ra như những đóa hoa trăm nghìn cánh. Khắp trong nhà, ngoài ngõ, đâu cũng thấy màu vàng của bột hương, màu đỏ của chân hương.
Ông Vũ Văn Sai, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết, nghề làm hương truyền thống của xã đã có từ lâu. Trải qua bao thăng trầm, hương Phúc Thành vẫn giữ được những nét riêng, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Hương Phúc Thành có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng mà nồng nàn, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là nhựa trám, than hoa, tăm tre và rễ hương bài được mua từ các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh... Nguyên liệu làm hương máy thì có thêm hồi, quế, đinh hương. Tất cả nguyên liệu sau khi mua về sẽ được phơi khô, nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ nhất định. Tùy từng phương pháp chế biến của từng gia đình mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau.
Khi chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất hương của chị Trần Thị Liệu, hơn chục công nhân đang tất bật làm việc. Người vuốt hương, người lăn hương, phơi hương, người đóng gói… Thoăn thoắt đóng gói cùng các công nhân, chị Trần Thị Liệu, chủ cơ sở chia sẻ: "Làng nghề chúng tôi chỉ dùng thuốc bắc, hoàn toàn không sử dụng một chút hóa chất nào để tăng mùi thơm. Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên cái tâm làm nghề không cho phép cẩu thả, làm gian dối kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao"...
Người làm hương cho biết, cách làm hương gia truyền không khó: chỉ cần trộn bột hương được xay nhuyễn từ nhiều loại hương liệu, sau đó, lấy chân hương quấn bột, lăn lại với bột khô rồi đem phơi. Nhưng phải thực hiện động tác nhanh gọn mới làm ra được những sản phẩm như ý, có độ đồng đều về kích cỡ, lượng nguyên liệu sử dụng, thân hương nhẵn, khô, độ dính kết cao. Thứ tạo nên mùi thơm đặc trưng là hương liệu.
Cách làm đơn giản là vậy nhưng để nén hương thắp lên có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Đầu tiên là chân hương phải được làm bằng loại tre, nứa ngâm, chẻ nhỏ đều tăm tắp, có vậy mới dễ cháy. Tiếp đến là bột hương và cách pha chế của từng người. Nén hương làm xong được đem phơi trên sân, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi hai ngày, trời râm thì phải phơi từ ba đến bốn ngày. Tránh đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi. Sự chu đáo, cẩn thận của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên thương hiệu của hương Phúc Thành.
Hiện nay một số hộ trong làng đã đầu tư máy móc để làm hương. Cơ sở sản xuất hương Thúy Nhật có quy mô tương đối lớn, thu hút khoảng 40 lao động làm việc thường xuyên. Gia đình đầu tư hơn chục máy bắn hương và lăn hương gia truyền, mỗi máy trị giá hơn 10 triệu đồng. Mỗi một công nhân vận hành một máy, sản xuất được 2 vạn nén hương/ngày.
Người làm hương bận rộn quanh năm, nhưng càng gần Tết việc càng nhiều. Bởi lẽ trong thời gian này, thị trường cần một lượng hương lớn để phục vụ Tết. Về Phúc Thành những ngày này mới thấy hết không khí náo nhiệt của làng nghề. Công việc không nặng nhọc nên có thể tận dụng được hết nguồn lao động trong làng, từ học sinh tiểu học đến người già, ai đấy đều rất tất bật tham gia mùa làm ăn lớn nhất trong năm. Nghề làm hương đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong làng. Hiện trong làng có khoảng 200 lao động làm hương, mỗi năm sản xuất khoảng 10 triệu nén.
Nghề làm hương ở Phúc Thành không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn thân thiện với môi trường. Nhiều năm nay, người thợ ở đây vẫn lưu giữ được những bí quyết truyền thống để bảo đảm cho chất lượng hương ngày càng tốt mà không phải sử dụng chất hóa học. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất liên tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm rộng rãi. Một số hộ sản xuất hương trong làng đầu tư cả khâu đóng gói, in nhãn mác. Sản phẩm làm ra được xuất đi khắp nơi, thậm chí ra cả nước ngoài.
THẾ MẠNH