Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân xã Nhật Tân ví “giáo viên làng Rồng như cua đồng ngoài ruộng” để nói về một ngôi làng có nhiều nhà giáo nhất nhì huyện Gia Lộc.
Gia đình thầy Trần Quang Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Nhật Tân có 3 đời làm nghề giáo
Nhiều đời làm giáo viên
Gần 90 tuổi, cụ Nguyễn Thị Sành vẫn đọc vanh vách câu thơ giới thiệu về làng mình “Giếng làng Rồng vừa trong vừa mát/ Đường làng Rồng lắm gạch dễ đi/ Trai làng Rồng có hoa thiên lý/ Gái thiên hạ có ý mà trông". Cụ bảo, làng Rồng xưa (nay là thôn Cao Duệ) to đẹp từng đi vào thơ ca nhưng nổi tiếng hơn cả phải kể đến việc làng có nhiều giáo viên nhất huyện và nghề giáo được duy trì qua nhiều thế hệ.
Để minh chứng cho lời mình nói, cụ Sành chỉ chúng tôi đến nhà cụ Gang, một trong những gia đình có 3 đời làm nghề giáo. Cụ Gang vẫn giữ rất nhiều hình ảnh về trường lớp và học trò nơi từng gắn bó lúc còn đứng lớp cũng như khi về hưu. Cụ Gang là tên dân làng thường gọi, còn tên thật của thầy là Phạm Xuân Hải. Gia đình thầy Hải có 5 người theo nghề giáo gồm cả con gái, con dâu và cháu. Thầy Hải từng là giáo viên dạy tiểu học ở các xã Thanh Giang và Tiền Phong (nay là xã Hồng Phong, đều ở Thanh Miện) sau đó về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Quang đến khi nghỉ hưu năm 1984.
Thầy Hải cho biết trong làng còn có nhiều gia đình từ 2-4 đời làm giáo viên như nhà ông Phạm Văn Phiệt, Phạm Văn Hòe, Nguyễn Văn Trạch… Nhiều gia đình đời ông cho đến đời cháu đều có người theo nghề giáo. Giáo viên của làng không chỉ giảng dạy trong xã mà còn đi khắp nơi trong cả nước gieo chữ.
Thầy Phạm Xuân Hải ở làng Rồng (nay là thôn Cao Duệ) vẫn giữ rất nhiều hình ảnh chụp cùng học trò
Theo thống kê của đồng chí Nguyễn Văn Tám, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cao Duệ, cả làng có gần 4.000 nhân khẩu thì có tới 200 giáo viên qua các thời kỳ từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay. Đời này sang đời khác, nghề giáo được duy trì và phát triển ở làng Rồng khiến nơi đây trở thành vùng đất học nổi tiếng của huyện Gia Lộc.
Làng Rồng nổi tiếng “Cha truyền con nối” trong nghề dạy học nên giáo viên của các trường mầm non, tiểu học hay THCS ở xã Nhật Tân đa phần là người làng Rồng. Ông Đỗ Thế Ngọc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khẳng định ở Gia Lộc có xã Nhật Tân, tiêu biểu là làng Rồng dân số ít nhưng số lượng giáo viên dạy học ở trong và ngoài xã nhiều nhất huyện.
Giữ nghề cao quý
Dẫn lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo", thầy Hải khẳng định đây là lý do khiến gia đình luôn động viên con cháu tiếp nối nghề này.
Thầy Hải cho biết: “Ở làng Rồng thời xưa không chỉ nhà giàu cho con đi học mà nhà nghèo cũng cố gắng hết sức để con cái được đến trường. Thầy cô giáo ở làng Rồng được quý mến nên đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 hằng năm, làng Rồng vui như hội bởi từng đoàn học sinh, đủ các thế hệ về thăm, chúc mừng các thầy cô”.
Cô giáo Mai Thị Hay tâm nguyện sẽ gìn giữ nghề cao quý của gia đình và gắn bó với trường lớp và học sinh
Gần đây không ít giáo viên bỏ nghề vì lương thấp và công việc áp lực nhưng cô giáo Mai Thị Hay, giáo viên Trường Mầm non xã Nhật Tân khẳng định sẽ luôn gắn bó với nghề. Cô Hay cho biết: “Giáo viên mầm non vất vả, lương thấp nhưng vì yêu trẻ và tiếp nối truyền thống gia đình nên chúng tôi sẽ gắn bó. Chỉ mong sắp tới Nhà nước quan tâm hơn đến chế độ cho giáo viên để giáo viên đỡ thiệt thòi và càng thêm yêu nghề”.
Những nhà giáo ở làng Rồng nói riêng và xã Nhật Tân nói chung luôn được tôn trọng và quan tâm. Anh Nguyễn Văn Tuấn, người làng Rồng cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi làng có nhiều giáo viên. Họ giúp con cháu chúng tôi học hành thành tài, vì thế người dân trong làng luôn ủng hộ và hỗ trợ để thầy cô làm tốt nghề cao quý của mình. Bản thân tôi cũng luôn giáo dục con biết tôn sư trọng đạo".
Năm nào cũng vậy cứ vào cuối tháng 10, xã Nhật Tân tổ chức trao thưởng cho học sinh giỏi và vinh danh những giáo viên có thành tích tiêu biểu. Năm học 2021-2022, xã đã khen thưởng cho 1 giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh đoạt giải quốc gia và 9 giáo viên có thành tích tiêu biểu trong bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đa phần những giáo viên này ở làng Rồng. Xã Nhật Tân đã huy động được Quỹ Khuyến học hơn 150 triệu đồng làm phần thưởng khuyến khích các thầy cô, học sinh có thành tích tiêu biểu và hỗ trợ học sinh vượt khó học giỏi.
Bà Phạm Thị Hoa, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Gia Lộc khẳng định không chỉ có nhiều người làm nghề giáo mà xã Nhật Tân còn có phong trào khuyến học sôi nổi. Dù cuộc sống của giáo viên ngày nay gặp không ít khó khăn nhưng người làng Rồng vẫn cố gắng động viên con cháu mình học hành và theo nghề cao quý này.
HẢI MINH