Doanh thu phim rạp đạt 32 tỷ đồng với loạt tác phẩm mới, nhiều sân khấu kịch ở TP Hồ Chí Minh "cháy" vé ba ngày nghỉ lễ đầu năm.
Doanh thu cuối tuần của các cụm rạp cả nước xấp xỉ 32 tỷ đồng, bán được 350 nghìn vé. Theo Box Office Việt Nam, chuyên trang thống kê doanh thu phòng vé, trên toàn quốc, số rạp phim mở cửa dịp Tết Tây là 225 rạp (trong đó TP Hồ Chí Minh 56 rạp, Hà Nội 44 rạp). Có ba phim mới ra rạp, là Võ sinh đại chiến, Monster Hunter, phim hoạt hình Dragon Rider, trong 15 phim đang chiếu.
Việc vắng bóng phim ngoại do các nhà sản xuất dời lịch chiếu là cơ hội cho tác phẩm nội địa vươn lên. Chị Mười Ba: 3 Ngày sinh tử (đạo diễn Võ Thanh Hòa) dẫn đầu danh sách phim có doanh thu cao nhất thị trường trong nước. So với hai phim khác ở top hai và top ba trong bảng xếp hạng Box Office, Chị Mười Ba vượt khoảng cách khá xa. Cuối tuần qua, phim thu về 17 tỷ đồng (hơn 700 nghìn USD), chạm mốc một triệu lượt khán giả, nâng tổng doanh thu phim hơn 62 tỷ đồng sau hai tuần công chiếu, theo Box Office. Thu Trang - diễn viên chính, đồng sản xuất phim - thở phào khi tác phẩm đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Chị nói: "Ban đầu, tôi lo lắm vì phim ra rạp đúng lúc dịch bệnh phức tạp trở lại. Đến ngày thứ chín công chiếu, tôi mới thở phào nhẹ nhõm".
Kế đến là Monster Hunter (Thợ săn quái vật) do Paul W.S. Anderson đạo diễn, Milla Jovovich đóng chính, với doanh thu hơn 6.5 tỷ đồng (gần 300 nghìn USD). Đứng thứ ba là Soul (Cuộc sống nhiệm màu), tuyệt tác mới nhất của nhà Disney - Pixar. Ra mắt sau Giáng Sinh 2020, phim thu về hơn 5 tỷ đồng (hơn 200 nghìn USD).
Trong tình hình dịch, việc sụt giảm doanh số bán vé xảy ra ở hầu hết quốc gia. Theo Box Office Mojo, tổng doanh thu thị trường Mỹ năm 2020 chỉ đạt 1,8 tỷ USD trong khi năm 2019 là 3,37 tỷ USD, Nhật cũng mất khoảng một nửa doanh số (884 triệu USD so với 1,774 tỷ USD). Khi đặt lên bàn cân so sánh, sự sụt giảm doanh thu của nhiều thị trường điện ảnh khác như Mexico (giảm 83 %), Trung Quốc (giảm 86 %), Đức (giảm 73 %), Thái Lan (giảm 90 %), điện ảnh Việt Nam năm qua có khởi sắc.
Nhiều sân khấu kịch Sài Gòn "cháy" vé suốt ba ngày lễ. Tại Thế giới trẻ, sân khấu diễn mỗi ngày hai suất suất, mỗi suất khoảng 350 ghế ngồi và đều hết vé từ vài ngày trước khi mở màn. Các vở trải rộng ở nhiều thể loại nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng từ khán giả, như hài - kinh dị (Hồn ma cô đào hát), hài - cổ trang (Thanh xà - Bạch Xà), tâm lý - gia đình (Chúng ta thuộc về nhau). Đạo diễn Ngọc Hùng nói trước kỳ nghỉ, anh lo vé bán kém vì tâm lý khán giả bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cuối năm 2020, khi một số ca nhiễm xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh, các suất diễn vắng bóng người xem hơn, nhiều vở vốn gây sốt bỗng đìu hiu. Anh Ngọc Hùng - quản lý sân khấu - cho biết: "Đến kỳ nghỉ vừa qua, tôi mới tin công chúng không bỏ rơi sân khấu. Tín hiệu lạc quan này giúp chúng tôi có tinh thần chuẩn bị kịch mục cho dịp Tết ta".
Sân khấu kịch Idecaf - điểm diễn hàng đầu tại Sài Gòn - bán hết vé nhiều ngày trước các suất diễn Tết dương lịch. Ngày đầu năm mới, tác phẩm mở màn là Ngũ quỷ kỳ phùng và Ác nhân cốc - hai vở hai kịch được yêu mến suốt năm qua của Idecaf. Hai ngày còn lại, sân khấu tiếp tục diễn hai vở Cậu Đồng và Người lạ người thương rồi người dưng. Ông Huỳnh Anh Tuấn - "bầu" Idecaf - cho biết năm nay, sân khấu giảm suất diễn so với mọi năm để giữ sức khỏe cho các diễn viên nòng cốt như nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu...
Sân khấu 5B Võ Văn Tần cũng đón nhận tín hiệu vui khi khách đông hơn ngày thường. Ngày đầu, khán giả đến xem chiếm khoảng 3/4 số ghế với vở hài kịch Tiền là số 1. Hai ngày sau đó, lượng người xem giảm hơn, chỉ còn một nửa. Bà bầu Mỹ Uyên cho biết con số này là trong dự đoán của chị. Nghệ sĩ nói: "Tôi hỏi thăm một số khán giả quen và thấy nhiều người chọn cách về quê hoặc ở nhà vì sợ dịch".
Hai sân khấu của nghệ sĩ Hồng Vân cũng xôm tụ hơn ngày thường. So với các nơi, Hồng Vân tập trung hơn vào thế mạnh kịch kinh dị, như: Người vợ ma, Ma nữ không chồng, Hồn ma báo oán... Hồng Vân cho biết kịch Tết bội thu là niềm động viên cho các sân khấu, sau một năm kịch nói gồng chịu lỗ. Năm 2018-2019, chị lỗ gần một tỷ đồng để duy trì SuperBowl - nơi đóng cửa hồi tháng 10.2019. Năm 2020, chị nhiều lần mở cửa sân khấu rồi lại đóng, nơm nớp vì dịch bệnh. Chị phải bù lỗ trung bình mỗi tháng vài chục triệu đồng, chủ yếu là lương cố định của nghệ sĩ, công nhân viên hậu đài.
Tại Hà Nội, dịp nghỉ lễ, nhiều khán giả chọn thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Đêm ca nhạc, hài kịch Tết Vạn Lộc do Vượng Râu đạo diễn (2.1) thu hút hơn 1.000 khán giả tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Lần đầu tổ chức liveshow riêng khi về Việt Nam sau thời gian dịch, concert Chuyện lạ của Bằng Kiều có 4.000 khán giả ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Sân khấu kịch không nhộn nhịp vì nhiều nhà hát nghỉ diễn dịp lễ. Riêng Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức đêm ca nhạc, hài kịch Thank 2021 và biểu diễn chùm hài kịch Tốc độ lần lượt hôm 1 và 2.1, mỗi đêm diễn thu hút 400 khán giả.
Theo VnExpress