Giáo dục

Lan tỏa giá trị nhân văn trong trường học

LINH LINH 07/10/2023 11:00

Thời gian qua, nhiều học sinh, sinh viên ở Hải Dương đã phát huy đức tính tốt đẹp nhặt được của rơi, trả lại người mất, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn.

00:00

W_img_1969.jpg
Em Nguyễn Thục Hiền là học sinh ngoan, học giỏi, nhặt được của rơi trả lại người mất

Nhiều gương người tốt, việc tốt

Sáng 6/9, em Nguyễn Thục Hiền, lớp 4A Trường Tiểu học Thanh Lang (Thanh Hà) nhặt được 1 chiếc ví màu đen tại sân trường và mang đến nộp cho cô Tổng phụ trách Đội, Ban Giám hiệu nhà trường. Sau khi kiểm tra thấy có gần 2 triệu đồng trong ví, không có giấy tờ tùy thân, Ban Giám hiệu nhà trường đã chụp ảnh gửi đến các nhóm lớp để đăng lên Zalo tìm người đánh rơi. Đến chiều cùng ngày, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Kim Can (cùng xã Thanh Lang) đã liên hệ nhà trường, xác nhận đó là ví của mình.

Sáng 7/9, Trường Tiểu học Thanh Lang tuyên dương em Hiền trước toàn trường để lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt đến đông đảo học sinh; đồng thời trao trả lại chiếc ví cùng số tiền cho chị Hương.

Theo chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm, Hiền là học sinh ngoan, học giỏi, có năng khiếu môn tiếng Anh. Được hỏi về suy nghĩ khi nhặt được ví tiền, cô học trò lớp 4 nhanh chóng trả lời: “Em nghĩ đó không phải đồ của mình thì mình phải tìm trả lại cho người bị mất”.

Không chỉ ở Trường Tiểu học Thanh Lang, rất nhiều trường học khác trong tỉnh đã và đang giáo dục tốt cho học sinh về tinh thần nhặt được của rơi, trả lại người mất.

Ngày 6/9, trên đường đến trường, em Nguyễn Quỳnh Chi, lớp 5A Trường Tiểu học Hà Kỳ (Tứ Kỳ) nhặt được 1 tập tiền mệnh giá 500.000 đồng. Em Chi đã mang số tiền đến nộp cho nhà trường để tìm người đánh rơi.

Ngày 10/9, em Hoàng Nam Khánh, lớp 7B Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách) nhặt được ví tiền tại khu tập luyện thể thao và đem đến Công an xã trình báo.

w_hocsinhtralaivi.jpeg
Em Khánh trao trả tài sản cho chủ nhân chiếc ví

Không chỉ học sinh nhỏ tuổi, nhiều sinh viên Hải Dương cũng có những hành động ý nghĩa. Ngày 14/9, trên đường đi học về, anh Nguyễn Quang Huy, lớp DK12D1 Trường Đại học Sao Đỏ cùng bạn nhặt được ví tiền gồm điện thoại, giấy tờ tùy thân và khoảng 2 triệu đồng ở cổng phụ của trường.

Ngay sau đó, anh Huy và bạn đã liên lạc để trao trả cho người nhà cụ Nguyễn Thị Vuốt (80 tuổi) ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) là chủ nhân chiếc ví.

W_z4714119664802_e571471ce57bc85eb298fef2259df8ba.jpg
Anh Nguyễn Quang Huy (ngoài cùng bên trái) ở Trường Đại học Sao Đỏ là tấm gương người tốt, việc tốt, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện

Anh Huy cho biết: “Mình cũng từng làm mất đồ đạc nên hiểu cảm giác của người bị mất. Vì vậy, khi nhặt được đồ mình chỉ muốn nhanh chóng trả lại người làm rơi".

Đây là lần thứ hai anh Huy có hành động đẹp như vậy. Ở trường, anh Huy là đoàn viên tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện. Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn.

Vai trò giáo dục của nhà trường

W_img_1973.jpg
Ngoài giảng dạy văn hóa, các trường học chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Thanh Lang, giáo viên lấy ví dụ về những tấm gương người tốt, việc tốt

Ngày càng nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong các trường học được lan tỏa như vậy thể hiện vai trò của nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, bên cạnh đào tạo văn hóa.

Ngay khi học sinh lên lớp 1, trong sách giáo khoa môn đạo đức đã có bài “Nhặt được của rơi, trả lại người mất". Các giáo viên sẽ lấy ví dụ về những tấm gương nhặt được của rơi, trả lại người mất để giúp học sinh hiểu ý nghĩa tốt đẹp của hành động này.

Trường Tiểu học Thanh Lang luôn tuyên dương, khen ngợi các em kịp thời để học sinh biết đây là việc làm tốt, cần được phát huy. Vào các buổi chào cờ đầu tuần, giáo viên thường nêu những tấm gương người tốt việc tốt trước toàn trường. Cô Tăng Thị Luận, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Thanh Lang cho biết tinh thần nhặt được của rơi, trả lại người mất là truyền thống của trường được học sinh phát huy nhiều năm qua. Khi nhặt được bất cứ thứ gì như cục tẩy, cái bút, bình nước hay những thứ giá trị như ví tiền, học sinh đều giao nộp cho cô giáo. Năm học 2022-2023, có 4 học sinh nhặt được tiền ở trường và đều giao nộp lại cho cô giáo để tìm người trả lại.

Trong chương trình phối hợp công tác giữa ​​ngành giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 có nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Trong đó có triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” trong các liên đội, tuyên dương “Cháu ngoan Bác Hồ”.

Những hành động ý nghĩa của học sinh, sinh viên sau khi được chia sẻ đã nhận rất nhiều lời khen ngợi từ mọi người, góp phần lan toả ý nghĩa nhân văn, giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức, ý thức và trách nhiệm với xã hội.

LINH LINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa giá trị nhân văn trong trường học