Hóa ra cái ghế ta ngồi rất quen thuộc hằng ngày cũng xuất phát từ những nền văn minh cổ đại. Từ bốn nghìn năm trước, ghế đã có ở Ai Cập, quê hương của những kim tự tháp nổi tiếng. Ở phương Đông, từ năm 581, Trung Quốc đã xuất hiện các loại ghế tay ngai, ghế dựa, ghế tròn. Đặc biệt là đời Đường có loại ghế tay ngai hào hoa, lộng lẫy. Đời nhà Minh nổi tiếng thế giới về cái "ghế thái sư" gỗ đỏ. Đời Thanh, hoàng đế Đạo Quang hay ngồi ghế trúc.
Tại châu Âu, đầu thế kỷ XVII, đã có ghế, nhưng dừng lại ở hình thức thực dụng, chưa chú ý đầy đủ đến tính chất thoải mái của người ngồi. Đến thế kỷ XVIII, Pháp đạt được thành tựu là chế ra ghế tay ngai. Năm 1825, ở Ai-len xuất hiện ghế quay Boston (Bô-xtơn). Năm 1836, ghế cong đầu tiên ra đời ở Áo... Bốn năm sau, ghế gấp đã rất phổ biến từ Anh sang Mỹ. Và ghế quay cong đã có mặt ở nhiều nước châu Âu.
Ghế cứ thế được cải tiến bằng nhiều chất liệu. Thập niên ba mươi thế kỷ XX, ghế làm bằng chất thép không gỉ đầu tiên ra đời ở Đan Mạch. Năm 1965, ghế chất dẻo đầu tiên do Cô-lôm-bô thiết kế, sản phẩm của hãng Mi-lan.
Ngày nay, chả cứ ở nước Âu Mỹ, nước ta cũng đã có nhiều loại ghế khá hiện đại. Cách đây vài năm, nhà báo Nguyễn Bình Quân từng viết một bài có nhan đề "Design... của cái ghế", đăng trong mục "Ở chốn lao xao", báo Lao Động. Ông viết: "Bác xem kìa, vua và hoàng hậu Nhật tiếp vua và hoàng hậu nước Na-uy ngồi bốn cái ghế bọc vải tao nhã. Ông Pu-tin ở Krem-li, ông Ô-ba-ma ngồi ở phòng bầu dục Nhà Trắng... đố bác tìm thấy những cái ghế "hoành tráng" như ở công sở ta. Đúng thật. Xem ti-vi, nơi nào cũng đập vào mắt ta trước hết là các ngai ghế to kềnh càng, tốn bao nhiêu là gỗ với công chạm trổ. Người nhỏ con, ngồi vẹo cả người. Chúng to hơn cái ngai vàng của cựu hoàng đế ở Huế nhiều!". Nhà báo nhắc lại câu tục ngữ hiện đại: "Hãy cho tôi xem cái ghế của anh, tôi sẽ nói anh là người như thế nào?" và nhiều lời bình nữa...
Trông người lại ngẫm đến ta, thiết tưởng cũng nên lắm chứ!
NGUYỄN KHÁNH HÀ