Những công nhân tuần đường, gác chắn, dưỡng lộ vẫn thầm lặng đổ mồ hôi, công sức để những chuyến tàu thông suốt, an toàn...
Dụng cụ không thể thiếu của người tuần đường ban đêm là cây đèn vuông. Trong mỗi ban,
một công nhân tuần đường ở Cung Đường sắt Hải Dương phải đi tổng cộng gần 13,7 km
Trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng qua tỉnh Hải Dương, những công nhân tuần đường, gác chắn, dưỡng lộ vẫn thầm lặng đổ mồ hôi, công sức để những chuyến tàu thông suốt, an toàn. Họ giống như những ngọn đèn vuông tỏa sáng trong đêm tối.
Trắng đêm tuần đườngCàng đi đôi chân tôi càng nhức mỏi như muốn rời ra. Còn anh Tuân cứ lầm lũi bước trên từng thanh ray, ánh sáng từ chiếc đèn vuông lặng lẽ tỏa sáng trong đêm tối thanh vắng.
|
|
Cung Đường sắt Hải Dương (Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải) quản lý 6,84 km đường từ phường Việt Hòa đến xã Nam Đồng (TP Hải Dương). Đơn vị hiện có 21 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 3 công nhân tuần đường. Một ngày làm việc của các công nhân tuần đường có 3 ban, ban 1 từ 5 giờ đến 13 giờ, ban 2 từ 13 giờ đến 21 giờ, ban 3 từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Mỗi ban phải có một công nhân tuần đường đi tuần tra hết đoạn đường sắt thuộc địa bàn quản lý. Việc tuần đường ban ngày vốn đã vất vả nhưng tuần đường ban đêm còn vất vả hơn.
9 giờ một đêm đông lạnh đầu tháng 11, tôi theo chân anh Trần Văn Tuân đi tuần đường. Trong ban 3 này, anh Tuân sẽ phải đi tuần 2 lượt (lượt đi và lượt về) trên cung đường dài 6,84 km. Chúng tôi xuất phát từ đường Ngô Quyền (phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) đi tới cầu Phú Lương với chiều dài hơn 4 km. Anh Tuân mặc bộ quần áo công nhân tuần đường, đầu đội mũ cối, tay cầm đèn pin và đèn vuông (còn gọi là đèn 4 mặt, một loại đèn chuyên dùng cho ngành đường sắt), vai đeo túi xách đựng một cái cờ lê, mấy quả pháo hiệu... Anh bước đều chân trên từng thanh tà vẹt, soi đèn vào từng con ốc, thanh ray. "Nhiệm vụ của người tuần đường là phát hiện những con ốc bị lỏng để siết chặt vào, giải tỏa chướng ngại vật gây nguy hiểm cho đoàn tàu. Nếu ray tàu bị gẫy hoặc "lập lách" (thiết bị nối giữa 2 thanh ray) bị mất trộm thì phải đặt pháo hiệu. Khi tàu đến, pháo hiệu nổ, người lái tàu sẽ biết đường ray có sự cố để kịp thời dừng tàu”, anh Tuân cho biết.
Anh Tuân sinh năm 1984, làm tuần đường được 3 năm nay. Anh bảo, lúc mới làm tuần đường, đi tuần anh liên tục bị ngã. Làm xong một ban mà chân đau nhức, nổi cả hạch lên. Vất vả nhất là tuần đường trong những đêm mưa gió, bão bùng. Mọi người được ngủ an lành, còn anh vẫn phải lầm lũi đi trong mưa, bão. Sợ nhất khi trời có sét vì sét rất dễ đánh vào đường sắt. Qua cầu Phú Lương, anh Tuân và anh Phan Văn Tuất trao thẻ tuần đường cho nhau, lúc đó đã gần 11 giờ. Đây là địa điểm giao nhau giữa Cung Đường sắt Hải Dương và Cung Đường sắt Tiền Trung.
Mỗi tháng, anh Phạm Phạm Xuân Tuấn ở Trạm chắn Cao Xá (Cẩm Giàng) phải thức trắng 8-9 đêm để làm nhiệm vụ
Từ cầu Phú Lương, chúng tôi tiếp tục tuần đường lượt về. Càng đi đôi chân tôi càng nhức mỏi như muốn rời ra. Còn anh Tuân cứ lầm lũi bước trên từng thanh ray, ánh sáng từ chiếc đèn vuông lặng lẽ tỏa sáng trong đêm tối thanh vắng. Tới 1 giờ 10 phút sáng, chúng tôi mới về đến đường Ngô Quyền. Đôi chân tôi tê buốt, các đầu ngón chân ê ẩm nên tôi không đi nữa. Anh Tuân bảo: "Từ giờ đến 5 giờ sáng, tôi phải đi tiếp một đoạn đường nữa từ đây đến phường Việt Hòa dài hơn 2 km, rồi lại vòng lại chỗ này mới làm xong công việc của ban này. Mỗi tuần, tôi làm 7 ban, gồm 3 ban đêm, 2 ban sáng và 2 ban chiều. Tuần nào, tháng nào cũng vậy, không được nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Ngày lễ, Tết nếu đúng ban của mình vẫn phải làm".
Nhọc nhằnCũng phải thức thâu đêm để làm nhiệm vụ là những công nhân gác chắn. Trong 1 ngày, công nhân gác chắn làm 2 ban, trong đó ban ngày từ 6 giờ đến 18 giờ và ban đêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Bình thường mỗi công nhân gác chắn làm 17-18 ban mỗi tháng. Chế độ làm, nghỉ thường được gọi là "làm 12, nghỉ 24" (làm 1 ban kéo dài 12 giờ, sau đó sẽ được nghỉ 24 giờ). Vất vả nhất khi làm ban tối. Trong khi cùng đi với công nhân tuần đường giữa đêm khuya khoắt, tôi đã thấy nhiều chị phụ nữ ở các gác chắn cố gắng giữ tỉnh táo để thức trọn đêm, để kéo chắn ra khi tàu tới. Các công nhân gác chắn cũng không ít lần đối diện với những tình huống phức tạp trong công việc. Chị An Thị Hồng Hạnh ở Trạm chắn Thanh Niên (TP Hải Dương) kể lại: "Năm ngoái có trường hợp một xe ô-tô mất phanh lao vào gác chắn làm một chị công nhân kéo chắn bị gẫy tay. Có lần một chiếc taxi đâm vào làm méo cột đèn điều khiển nên tôi phải đuổi theo. Đuổi lòng vòng mấy con phố, tôi gọi lái xe dừng lại nhưng họ cứ đi như không biết gì. Tôi quyết đuổi tận cùng để yêu cầu lái xe trở về xác định thiệt hại. Nếu mình không theo được cái xe đó thì có thể phải bỏ tiền túi ra khắc phục sự cố".
Gần 22 giờ ngày 6-11 vừa qua, tôi đã đến Trạm chắn Cao Xá ở xã Cao An (Cẩm Giàng). Các anh Phạm Xuân Tuấn và Đoàn Quang Thắng vẫn căng mắt để làm nhiệm vụ. Mắt 2 người đỏ hoe vì phải thức đêm nhiều. Mới ngồi khoảng 5 phút mà chân tôi đã bị muỗi đốt liên tục. Tôi thắc mắc sao hai anh không mang cái máy tính hoặc đài để giải trí cho đỡ buồn trong đêm, anh Thắng bảo quy định của ngành đường sắt không cho phép làm như vậy vì phải tập trung theo dõi tàu. "Mỗi đêm có khoảng 8 chuyến tàu chạy qua đây. Mỗi chuyến tàu qua, chúng tôi đều phải kéo chắn để bảo đảm an toàn cho tàu và người đi đường. Cũng có trường hợp mình đóng chắn rồi mà có người vẫn muốn đi qua nên họ chửi bới, đe dọa. Có lần 2 phụ nữ trực ban đêm còn bị một số kẻ ném gạch đá để trêu ghẹo", anh Tuấn kể.
Không kém vất vả so với những người tuần đường, gác chắn là những công nhân dưỡng lộ (duy tu, bảo dưỡng đường sắt). Họ thường xuyên có mặt trên đường sắt để thay đinh ốc, tà vẹt, sàng đá, cào đá, dọn cỏ... Ngay giữa mùa đông lạnh giá mà người mấy công nhân cào đá đoạn qua xã Nam Đồng (TP Hải Dương) vẫn đẫm mồ hôi, có người chỉ mặc áo ba lỗ. Thợ cào đá đi thành tốp 3 người, 1 người cầm xẻng, 2 người khác kéo dây thừng để cào đá ở dưới chân đường sắt đổ lên chân tà vẹt. Tôi cũng hăm hở thử cào đá xem thế nào. Vừa xỏ đôi găng tay bằng vải vào tay, tôi đã thấy bên trong ẩm ướt vì mồ hôi. Chỉ cào được một chút mà người tôi đã nhem nhuốc vì bụi đá. Các công nhân cho biết, làm mùa đông còn đỡ chứ mùa hè cứ làm được một chút lại phải lau mồ hôi. Những ngày trời nắng nóng gay gắt, đường sắt và những hòn đá nóng như rang. Quần áo mặc không có chỗ nào là không ướt mồ hôi.
Lương bèo bọtCông việc vất vả, đòi hỏi trách nhiệm cao là thế, nhưng chế độ đãi ngộ với công nhân làm nghề tuần đường, dưỡng lộ, gác chắn còn rất thấp. Anh Hoàng Quốc Toản, Cung trưởng Cung Đường sắt Hải Dương cho biết: Trung bình mỗi tháng, một công nhân tuần đường nhận khoảng 2,7 triệu đồng tiền lương, tiền ăn ca, phụ cấp độc hại. Anh Toản đã làm nghề này 32 năm nhưng tổng thu nhập cũng chỉ được khoảng 4 triệu đồng/tháng. Còn những công nhân đang làm việc tại Cung Quản lý chắn đường ngang Hải Dương chỉ nhận được tiền lương, các phụ cấp khác với mức bình quân 3,1 triệu đồng/tháng. Nhiều công nhân dưỡng lộ chỉ có mức thu nhập 2,5-3 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, các công nhân phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ. Chế độ đãi ngộ cho công nhân thấp do hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải gặp nhiều khó khăn trong khi số lượng cán bộ, công nhân viên đông.
Làm việc vất vả nhưng công nhân bảo dưỡng đường chỉ có thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/tháng.
Trong ảnh: Công nhân bảo dưỡng đường ở Cung Dường sắt Tiền Trung đang cào đá tại đoạn đường sắt
qua xã Nam Đồng (TP Hải Dương)
Cũng do chế độ thấp, công việc vất vả nên nhiều người đã bỏ nghề tuần đường, gác chắn, dưỡng lộ để làm nghề khác. Được xếp vào ngành nghề độc hại, nguy hiểm nên theo quy định, công nhân nam đến 55 tuổi và nữ giới đến 50 tuổi sẽ được nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhiều công nhân đã xin nghỉ hưu trước tuổi vì không thể tiếp tục công việc nặng nhọc. Ngược lại, khi về hưu thì chế độ đãi ngộ sẽ tăng lên vì lương hưu tính theo lương cơ bản chứ không tính theo khoán sản phẩm như khi còn đang công tác. Để trang trải chi phí cuộc sống, nhiều công nhân phải làm thêm việc khác. Anh Nguyễn Văn Biên, công nhân dưỡng lộ ở Cung Đường sắt Phú Thái (Kim Thành) phải mở xưởng cơ khí để có thêm thu nhập. Nhiều chị làm ở Trạm chắn Thanh Niên (TP Hải Dương) phải làm thêm nghề may.
Sau mấy ngày, đêm đồng hành cùng những công nhân đường sắt, khi tôi chào họ ra về, nhiều người dặn tôi đi đường cẩn thận. Tôi chợt nghĩ bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu, cho người đi đường đã trở thành tiềm thức của họ chăng? Từ Trạm chắn Cao Xá, tôi đi xe máy về TP Hải Dương, nơi có ánh điện tỏa sáng và một giấc ngủ an lành đang đợi. Còn họ, những công nhân gác chắn, những người tuần đường vẫn lầm lũi đi trong đêm. Bóng họ khuất dần trong đêm tối, mưa phùn, giá rét cùng những ngọn đèn vuông trên tay. Những người công nhân đường sắt cũng như những ngọn đèn vuông ấy cứ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ tỏa sáng để cho những chuyến tàu lăn bánh bình an.
NINH TUÂN