Các hiệp định thương mại đang tác động đến nhận thức của người nông dân, giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đem đến những luồng sinh khí mới trên các cánh đồng.
Hội nhập mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản. Trong ảnh: Sơ chế su lơ xuất khẩu tại
Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt
Thay đổi nếp nghĩHải Dương được đánh giá là vựa nông sản của miền Bắc nên hội nhập chính là lợi thế có thể khai thác để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội để nông sản có thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường truyền thống dễ tính nhưng đầy rủi ro là Trung Quốc.
Với người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, khái niệm hội nhập vẫn là một điều gì đó xa lạ bởi họ không thể hiểu được hết những ràng buộc, thỏa thuận mà các FTA đặt ra. Họ chỉ biết trong xu thế hiện nay nếu không từ bỏ thói quen sản xuất cũ thì khó có thể tồn tại. Bà Nguyễn Thị Tuân ở thôn Nại Đông, xã Tam Kỳ (Kim Thành) gắn bó cả cuộc đời với nghề nông. Trước kia, bà chỉ biết chăm chỉ vun trồng để rau màu cho năng suất cao, còn giá bán thì phụ thuộc vào thương lái. Nhưng nay bà đã có nhiều lựa chọn hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp về vùng chuyên canh rau màu của địa phương ngỏ ý hợp tác sản xuất. Bà kể: “Mặc dù chưa thỏa thuận được với doanh nghiệp nhưng chúng tôi đã không còn phải chịu cảnh bị thương lái ép giá như trước kia”.
Doanh nghiệp tới thu mua và cũng đưa ra nhiều đòi hỏi về sản phẩm sạch. Lúc mới thực hiện, những người nông dân như bà Tuân gặp không ít khó khăn vì đã quen với nếp canh tác cũ. “Nhưng chúng tôi hiểu là muốn nông sản có giá trị tương xứng với công sức bỏ ra thì phải thay đổi. Nhiều hộ chủ động học hỏi kiến thức về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để áp dụng vào diện tích rau màu của gia đình”, bà Tuân cho biết.
Nhiều lần chứng kiến tình cảnh thua lỗ của nông dân khi sản xuất nông nghiệp luôn rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha (Thanh Miện) trăn trở: “Người dân chịu thiệt thòi do luôn bị đặt trong thế bị động một phần cũng vì sản xuất theo kiểu ăn chắc nên thành ra manh mún, nhỏ lẻ. Tôi đã có dịp sang Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và nhận thấy trong hoàn cảnh mới không thể làm theo nếp tư duy cũ”. Chỉ khi hướng đến thị trường lớn, giá trị nông sản mới được nâng cao. Tuy nhiên, những yêu cầu trong sản xuất vì thế cũng khắt khe và nghiêm khắc hơn nhiều. Do vậy, phải loại bỏ tâm lý tiểu nông để hướng tới sản xuất hàng hóa, đồng bộ và bài bản. Hiện nay, người dân Phạm Kha cũng đang dần ý thức được điều này. Nông dân đã trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết với doanh nghiệp.
Khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thì việc hình thành những cánh đồng liên kết là tất yếu. Tại các vùng trồng rau màu truyền thống ở các địa phương như Gia Lộc, Kim Thành, Cẩm Giàng... nhiều chuỗi liên kết giá trị đã và đang được xây dựng. Doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, còn nông dân cam kết sản xuất theo đúng yêu cầu nên nỗi lo về đầu ra sản phẩm giảm đi rất nhiều.
Thách thức lớn
Làn gió hội nhập đã góp phần gỡ bỏ nút thắt về thị trường tiêu thụ nông sản nhưng nếu không có những đột phá trong việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất thì lại là thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Để có đủ khả năng cạnh tranh, nông sản phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, số lượng và giá cả. Tuy nhiên, đây là những tiêu chí mà nông sản Hải Dương vừa thiếu, vừa yếu. Theo ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc), việc mở rộng giao thương với các nước đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản, tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Nếu những năm trước, sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường trong nước thì nay có rất nhiều đơn đặt hàng từ các nước. Tuy vậy, thực tế sản xuất chưa thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Phía đối tác đòi hỏi phải sản xuất sạch, sản phẩm đồng đều, mẫu mã đẹp trong khi việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa lại rất khó khăn. Mặt khác, lĩnh vực nông nghiệp nhiều rủi ro bởi đầu tư lớn trong khi lâu được thu hồi vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham gia các FTA là phép thử đối với ngành nông nghiệp. Nếu không chủ động thích ứng thì sẽ mất dần lợi thế và gia tăng những bất lợi. Để ngành nông nghiệp có thể phát triển bền vững và hưởng lợi từ các FTA, cần phải xác định mặt hàng nông sản chiến lược, xây dựng các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn GAP. Đây không chỉ là những việc cần làm của nông dân mà còn là của nhà quản lý và doanh nghiệp.
Cơ hội của hội nhập nhìn từ góc độ xuất khẩu nông sản đã thấy rõ nhưng thách thức cũng liền kề. Hội nhập tạo ra môi trường cạnh tranh tự do, bình đẳng và sòng phẳng. Trong sân chơi này chúng ta chỉ có hai lựa chọn, hoặc trở thành tụ điểm thu hút các dự án đầu tư, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tiêu thụ ở khắp các nước; hoặc sẽ mất đi khả năng sản xuất, cạnh tranh, tự biến mình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nước khác. Để tồn tại, cần phải tạo ra sự liên kết bền chặt giữa nông dân với doanh nghiệp, thay đổi toàn diện tư duy để tổ chức lại sản xuất.
DŨNG CƯỜNG