Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã không thể đưa ra được tuyên bố chung trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư.
Các nhà lãnh đạo APEC chụp ảnh chung
Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 18.11 đã không thể đưa ra được tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao lần thứ 26 diễn ra tại Papua New Guinea, trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị cấp cao APEC không thể đưa ra được một tuyên bố chung chính thức.
Phát biểu với báo giới sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill cho biết sẽ thay mặt các nền kinh tế ra tuyên bố chủ tịch trong ngày 18.11. Theo ông, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế đã nảy sinh bất đồng về việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trước đó, Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato cũng cho rằng những xung đột về tầm nhìn khu vực đã khiến các nhà lãnh đạo APEC không thể ra được tuyên bố chung. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết quan điểm khác biệt, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến thương mại, đã cản trở các nền kinh tế đưa ra tuyên bố chung.
Bất đồng thương mại và cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc đã "phủ bóng đen" lên Hội nghị cấp cao APEC, lần đầu tiên được tổ chức tại Papua New Guinea.
Trong bài phát biểu tại hội nghị ngày khai mạc 17.11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo đầy ẩn ý nhắm đến chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump, cho rằng các quốc gia đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ "chắc chắn sẽ thất bại."
Trước sự leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố: "Lịch sử đã cho thấy các cuộc đối đầu, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không tạo ra người chiến thắng. Những nỗ lực để xây dựng các rào cản và cắt bỏ các mối quan hệ kinh tế là chống lại các quy luật kinh tế và xu hướng của lịch sử."
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence - người đã phát biểu tại diễn đàn ngay sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã đáp lại rằng "Mỹ sẽ không chấm dứt các biện pháp thuế quan cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành động."
Ông Pence cũng thông báo chính quyền Mỹ đã chuẩn bị để "tăng hơn gấp đôi" mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng đã chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tuy vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mike Pence đã tiến hành hội đàm tối 17.11. Phát biểu với báo giới, ông Pence khẳng định đã hội đàm hai lần với Chủ tịch Tập Cận Bình trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC và hai bên đã có các cuộc đối thoại thẳng thắn.
Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi sau khi hai bên áp dụng các biện pháp thuế quan trị giá hàng tỷ USD đáp trả lẫn nhau. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu.
APEC bao gồm 21 nền kinh tế thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo APEC nhóm họp tại Papua New Guinea trong hai ngày 17 và 18.11 trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế khác chỉ trích Trung Quốc áp dụng các chính sách làm sai lệch thị trường, như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp công nghiệp.
Trong khi đó, chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Tổng thống Donald Trump gây quan ngại trên toàn cầu, đặc biệt trọng tâm của chính sách này là theo đuổi các thỏa thuận song phương và phản đối các thỏa thuận cũng như các tổ chức thương mại đa phương.
Theo TTXVN