Lần đầu tiên điều trị thành công ca hẹp ống động mạch phổi

26/02/2012 07:00

Bệnh nhi là Phạm Thu Hường 5 tuổi, ở Quyết Thắng, Thanh Hà (Hải Dương) bị thông liên thất đã mổ mở 1 lần và nong bóng 3 lần.


Bệnh nhi Thu Hường được kiểm tra lại sau ca phẫu thuật


Tuy nhiên, tình trạng hẹp gốc động mạch phổi vẫn tái diễn. Tại Trung tâm tim mạch- Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây, cháu Hường được đặt stent thông hẹp ống động mạch phổi an toàn.


Th.s Cao Việt Tùng, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hẹp van động mạch phổi bẩm sinh chiếm 10 - 15% các bệnh tim bẩm sinh. Nguyên nhân là do trong giai đoạn đầu thai nhi, mẹ bị nhiễm virus Rubella, rối loạn chuyển hóa canxi và vitamin D, làm giảm khả năng phát triển bình thường của động mạch phổi.

Trẻ bị bệnh thường tím tái, mệt mỏi, hay ốm, chậm phát triển. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ sẽ bị suy tim, viêm phổi và nguy cơ tử vong rất cao. Với những trẻ mắc bệnh này, thường được điều trị nội khoa (bằng thuốc) hoặc nặng hơn phải phẫu thuật thay van. Nhưng hiệu quả thấp vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố bệnh lý giải phẫu của tim ở từng trẻ.

Tỷ lệ tử vong của bệnh lý tim bẩm sinh này cao, đặc biệt ở nhóm teo và hẹp động mạch phổi nặng, nên rất cần can thiệp ngay trong thời kỳ sơ sinh. Riêng trường hợp cháu Hường, tình trạng bệnh rất nặng, tiên lượng xấu (đã mổ mở một lần, bóp bóng 3 lần không khỏi và không thể mổ mở lần thứ hai). Vì vậy xét thấy kỹ thuật đặt stent ống động mạch phổi có hy vọng cứu sống cháu, nên các bác sĩ Trung tâm Tim mạch- Đại học Hamburg Đức và Bệnh viện Nhi Trung ương quyết định áp dụng.

Stent là một ống lưới thép mỏng, được đặt vào trong lòng động mạch bằng nội soi nhằm làm thông thoáng lòng mạch vốn đã bị chít hẹp do xơ vữa. Một lỗ nhỏ được chích từ háng bệnh nhi, thiết bị nội soi có gắn quả bóng được đưa vào động mạch qua đường này, đến vị trí tắc, bóng được bơm phồng lên làm ống mạch rộng ra để máu lưu thông, sau đó đặt stent. Thời gian thực hiện khoảng 1,5 giờ. Sau 30 phút can thiệp trẻ tỉnh và có thể xuất viện về nhà sau 1 – 2 ngày.

Theo bác sĩ Tùng, đặt stent động mạch phổi ở trẻ là một kỹ thuật rất khó, bởi mạch máu của trẻ quá bé. Nếu đưa dụng cụ lớn quá làm vỡ mạch, nhỏ quá thì bị trôi. Hơn nữa, mạch máu của trẻ còn phát triển nên loại stent giống của người lớn sẽ không thích hợp. Tuy nhiên ca đặt stent đầu tiên cho bé Hường đã được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Đại học Hamburg Đức (chuyển giao) và BV Nhi Trung ương thực hiện thành công, sức khỏe bé Hường hồi phục nhanh và đã xuất viện.

Được biết, tại BV Nhi từ tháng 9 – 2008 đến nay, đã có 21 trẻ bị teo và hẹp động mạch phổi, được phẫu thuật. Tỷ lệ sống ra viện sau mổ 76,2% (16-21). Năm bệnh nhi tử vong nằm trong nhóm teo và hẹp động mạch phổi nặng.

KN (ĐĐK)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lần đầu tiên điều trị thành công ca hẹp ống động mạch phổi