Hiện nay, nhiều hội, nhóm từ thiện của thanh niên được thành lập nhưng vẫn chưa có cơ chế cụ thể để hoạt động hiệu quả.
Hoạt động từ thiện gặp một số khó khăn do hầu hết các câu lạc bộ, hội, nhóm đều thành lập và hoạt động tự phát
Nở rộNhóm thiện nguyện "Tay chung tay" của Trường Đại học Sao Đỏ đã hoạt động 5 năm với mục đích: "Cùng chia sẻ và gắn kết những mảnh đời kém may mắn, khó khăn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn, bệnh nhân phong". Nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như nấu, phát cháo miễn phí vào ngày cuối tuần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Bệnh viện Phong Chí Linh. Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động đều đặn, nhóm đã thực hiện nhiều ý tưởng kinh doanh để gây quỹ. Bạn Phạm Thị Thúy Châm, trưởng nhóm thiện nguyện chia sẻ, để dự án "Bình nước nhân ái" được triển khai, cả nhóm đã lên lịch phân công các thành viên đến đại lý lấy nước uống đóng bình chở đến tận phòng trọ bán cho các bạn sinh viên, mỗi bình nước lãi 3.000 đồng. Có ngày cả nhóm bán được 15 bình. Ngoài dự án "Bình nước nhân ái", nhóm thiện nguyện "Tay chung tay" còn làm đồ thủ công, đèn led hình trái tim, kẹp nơ buộc tóc để bán gây quỹ. Những buổi tối cuối tuần, Châm và các thành viên đạp xe dạo quanh thị xã nhưng vẫn nhớ mang theo chiếc bao tải để nhặt vỏ lon, chai nhựa, bìa. Với Châm và các bạn, việc làm này vừa rèn luyện sức khỏe, lại góp phần bảo vệ môi trường và có thêm nguồn thu cho quỹ từ thiện của nhóm.
Câu lạc bộ (CLB) "Khát vọng trẻ" do các bạn sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương lại có nhiều cách làm hay để gây quỹ. Mỗi thành viên CLB “nuôi” một con lợn nhựa và kêu gọi sinh viên trong toàn trường cùng tham gia. Các thành viên tiết kiệm từ 500 - 1.000 đồng/ngày để cho vào lợn. Khi sắp thực hiện một chương trình từ thiện, CLB sẽ tổ chức "đại hội mổ heo", có lần số tiền thu được lên đến 7 triệu đồng. CLB đã tổ chức thành công "Đêm nhạc từ thiện", các tiết mục do thành viên của CLB tự dàn dựng được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Sau đêm nhạc, nhóm thu được 1,3 triệu đồng. CLB đang có kế hoạch tổ chức thêm nhiều đêm nhạc khác quy mô lớn hơn. Bên cạnh nguồn quỹ tự tạo, CLB còn đi xin tài trợ để bổ sung nguồn quỹ.
Nhiều nhóm từ thiện gây quỹ bằng cách trích lương hằng tháng. Các thành viên trong nhóm "Ước mơ xanh Hải Dương" đang làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhóm hoạt động được hơn 2 năm và là nhóm từ thiện hoạt động tích cực, hiệu quả nhất ở Hải Dương hiện nay. Nhóm luôn duy trì được nguồn "quỹ nội lực" bằng việc đóng góp từ 200.000 - 500.000 đồng/thành viên/tháng. Nhiều chương trình từ thiện do nhóm tổ chức còn được tài trợ bởi người thân, bạn bè, thậm chí cả đối tác làm ăn của các thành viên trong nhóm.
Nhóm "Hải Dương ấm" có nhiều sáng kiến khác như: mở gian hàng bán bánh Trung thu, bánh gai, nước giải khát, đồ lưu niệm... nhân các sự kiện và ngày lễ lớn. Nhóm còn xin đặt hòm từ thiện tại cửa hàng bánh ngọt Happy Bakery trên đường Trần Hưng Đạo. Số tiền quyên góp được sau mỗi lần mở hòm từ thiện đều được chuyển tới tận tay những mảnh đời bất hạnh và người có hoàn cảnh khó khăn.
Không phépNhững hoạt động từ thiện thể hiện truyền thống tương thân tương ái và có ý nghĩa xã hội rất lớn. Tuy nhiên, các hội, nhóm từ thiện cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc duy trì hoạt động.
Hiện nay, hầu hết các hội, nhóm từ thiện đều hình thành và hoạt động tự phát. Nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để trục lợi. Nhiều nhóm từ thiện đi xin tài trợ từ các doanh nghiệp để tạo nguồn kinh phí hoạt động nhưng rất khó được chấp nhận bởi không đưa ra được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp. Bạn Đặng Quang Đức, Chủ nhiệm CLB "Khát vọng trẻ" chia sẻ: “Có lần, thành viên nhóm đến một nhà hàng để xin tài trợ. Sau một hồi trình bày, chủ nhà hàng đã ủng hộ 2 thùng mì tôm, nhưng vẫn tỏ thái độ nghi ngờ: Chẳng biết có phải từ thiện thật hay không. Lúc đó chúng tôi rất tủi thân, nhưng vẫn cố kìm nén và nhận, vì biết rằng, đối với những người khó khăn, 2 thùng mì này rất quý giá”.
Chị Vũ Thị Liễu, Chủ nhiệm nhóm "Ước mơ xanh Hải Dương", đã ấp ủ ước mơ thành lập một CLB từ thiện từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay sau khi đi làm, chị đã cùng với những người bạn thành lập nhóm “Ước mơ xanh Hải Dương”. Những chuyến đi làm từ thiện, được gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn là động lực thôi thúc chị và các thành viên tổ chức thêm nhiều hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, khó khăn là, khi nhóm liên hệ tổ chức chương trình thì chính quyền địa phương thường hỏi giấy phép hoạt động. Chị Liễu cho biết, nhiều lần nhóm nghĩ tới việc xin cấp giấy phép hoạt động nhưng khi tìm hiểu thì biết rằng điều kiện để được cấp phép không hề đơn giản. Các giấy tờ, thủ tục xin cấp phép quá phức tạp, qua nhiều giai đoạn, nhiều cơ quan. Khó khăn nhất đối với chúng tôi là số tiền đóng góp ban đầu để thành lập quỹ từ thiện quá lớn. Với một nhóm hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh như "Ước mơ xanh Hải Dương" thì số tiền đóng góp ban đầu được quy định là 1 tỷ đồng. Số tiền này nằm ngoài khả năng đóng góp của nhóm. Vì vậy, việc xin giấy phép hoạt động gần như không thể.
NGUYỄN LUYẾN