Cùng với việc đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng, công cuộc làm trong sạch Đảng còn được quan tâm đặc biệt ở khía cạnh chống tiêu cực.
Sau Đại hội XIII của Đảng, công cuộc làm trong sạch Đảng đã có những động thái mới. Đầu tháng 6.2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế", mới đây, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án sửa đổi bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bằng việc bổ sung cụm từ chống “tiêu cực” cho Ban chỉ đạo.
Chỉ sau một thời gian ngắn khi ban hành Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư (2.6.2021), việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có những dấu hiệu tích cực.
6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.400 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.900 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá hơn 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Trong giai đoạn thi hành án, đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.
Đây thực sự là chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, vốn là khâu hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
Dưới góc độ xây dựng thể chế, luật sư Vũ Tuấn (Công ty luật Việt Phong, đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, Chỉ thị 04 của Ban Bí thư đã chỉ ra những điểm còn yếu hoặc có phần lạc hậu của các quy định hiện hành. Mặt khác, Chỉ thị này tác động lớn đối với vai trò của cấp ủy, người đứng đầu các ban ngành, các cơ quan có trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Song song với đó cũng thúc đẩy sự rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, các bộ ngành đã phát hiện, chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, tiếp tục thực hiện chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng đó là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: “Siết chặt kỷ luật Đảng, siết chặt pháp luật của Nhà nước để cảnh báo mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng phải chịu sự chi phối của kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, “không có vùng cấm”, “không hạ cánh an toàn”. Nếu có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước thì phải tiếp tục xử lý, có ý nghĩa giáo dục đối với tất cả cán bộ đương chức hiện nay”.
Công cuộc làm trong sạch Đảng được đẩy lên một bước, không chỉ dừng ở việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, thu hồi tài sản thất thoát. Mới đây, ngày 11.9, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án sửa đổi bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và thống nhất tên gọi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”) để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo để chỉ đạo phòng chống cả tham nhũng, tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Đại hội XIII của Đảng.
Việc Bộ Chính trị quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng
Chú trọng phòng, chống tham nhũng, đồng thời không xem nhẹ, bỏ lọt các hành vi tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức, quyết tâm không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và sự tin yêu, mong đợi của nhân dân.
Theo VOV