Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng?

15/03/2023 16:32

Bên cạnh việc giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng thì thương mại điện tử cũng đi kèm với rủi ro như lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái...

Lam the nao de bao ve nguoi tieu dung tren khong gian mang? hinh anh 1

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, nền tảng mua sắm trực tuyến giúp xóa bỏ rào cản về không gian và thời gian nhưng người tiêu dùng hãy cẩn thận với nó. (Nguồn: Thestreet)

Bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Thế nhưng, bên cạnh việc giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn là những rủi ro đi kèm như lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần thêm nhiều chế tài mạnh tay hơn nữa để xử lý dứt điểm những hạn chế đang tồn tại nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như qua đó đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Sức hút khó cưỡng

Chỉ cần ngồi gần máy tính, iPad hay cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh là dù bất cứ ở đâu người tiêu dùng cũng có thể lướt web để đặt mua món đồ mong muốn và sau đó sẽ được giao đến tận tay sau thời gian ngắn.

So với hoạt động mua bán truyền thống tại cửa hàng, mua sắm online tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn rất nhiều. Cùng đó, các mặt hàng đa dạng từ cây kim sợi chỉ đến quần áo mỹ phẩm, thực phẩm, thậm chí cả điện thoại, máy tính, xe máy cũng đều có thể mua sắm online.

Hơn nữa, khi mua sắm trên nền tảng trực tuyến, người tiêu dùng còn có thể thoải mái so sánh các sản phẩm, các thương hiệu khác nhau, giá cả, chất lượng và trực tiếp trao đổi với người bán để hiểu rõ hơn về sản phẩm.

Những công cụ tìm kiếm như Google, Bing… hay các kênh thông tin đa phương tiện gần như đã trở thành một nguồn tham khảo không thể thiếu đối với mỗi người tiêu dùng trước khi đưa ra quyết định mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó.

Ngoài ra, dựa trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới với các sàn thương mại quốc tế lớn giúp cho người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hoá, dịch vụ trên toàn cầu thông qua các nền tảng này.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, nền tảng mua sắm trực tuyến giúp xóa bỏ rào cản về không gian và thời gian, kết nối giữa người cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với người có nhu cầu tiêu thụ một cách chính xác, nhanh chóng và dễ dàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn còn không ít các trường hợp lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để trục lợi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với đủ các thủ đoạn, chiêu trò che mắt cơ quan chức năng.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết trong 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức, chủ động, tích cực tham gia của các chủ thể trong nền kinh tế, xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15.3) được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức rộng khắp, với sự tham gia của gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xây dựng và vận hành Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 với 52 điểm kết nối trên cả nước; nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại các cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt, với vai trò là thành viên chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả tại các tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới như Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP), Mạng lưới Thực thi và bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN); thường xuyên thực hiện hợp tác với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại Nhật, Hàn Quốc, Mỹ…

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã đề xuất xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án có quy mô lớn; trong đó, nổi bật là Quyết định số 1157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (giai đoạn 2021-2025); thực hiện nhiều hoạt động chuyên đề hướng tới nội dung cụ thể như bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, giao dịch cho vay trực tuyến, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Nhận định xung quanh vấn đề này, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, nhấn mạnh hiện nay, xu hướng mua bán trực tuyến đang phát triển đồng nghĩa với việc hàng giả, gian lận thương mại cũng gia tăng, người tiêu dùng đối diện nhiều hơn với vấn nạn mua, sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thống kê của Bộ Công Thương, năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử là 222 triệu đồng.

Cũng trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng đang là vấn đề được nhiều bộ, ngành quan tâm và chống hàng giả trên thương mại điện tử cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2023 và những năm tới.

Khắc phục hạn chế

Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu khu vực với mong muốn đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành thương mại điện tử giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Theo ông Trần Hữu Linh, hiện các chủ sàn thương mại điện tử cũng đã rất chú trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng lưu ý mua hàng tại các trang bán hàng có giấy phép, quyền lợi mới được đảm bảo.

Ngoài ra, nếu mua hàng tại các trang mạng trôi nổi, những tài khoản mạng xã hội có thể lập và xóa bất kỳ lúc nào thì đương nhiên quyền lợi sẽ khó đảm bảo hơn, nhất là khi mua món hàng giá trị.

Trần Hữu Linh khuyến cáo hãy là người tiêu dùng thông thái bởi các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... từ đó lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm.

Do vậy, để hạn chế thấp nhất các rủi ro, nhất là khi mua hàng trên không gian mạng, người tiêu dùng phải thận trọng, tìm mua hàng hóa ở các cửa hàng có địa chỉ uy tín, các đại lý phân phối hàng chính hãng, phải có hóa đơn và giữ lại hóa đơn để phòng những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết thời gian tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú.

Lam the nao de bao ve nguoi tieu dung tren khong gian mang? hinh anh 2

Các đơn vị thương mại điện tử liên tục khởi động các đợt sale để kích cầu mua sắm, tiêu dùng. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Hơn nữa, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, nhất là kinh doanh trên môi trường mạng, hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng.

Ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và trên không gian mạng nói riêng.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã và đang sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành; bổ sung những quy định nhằm kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn (dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5.2023).

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng thông qua các hoạt động như tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi, phát huy sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông.

Mặt khác, vận hành các công cụ, cơ chế để hỗ trợ người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng, tập huấn nâng cao năng lực của các sở công thương, các hội bảo vệ người tiêu dùng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương còn phối hợp với nhiều đơn vị liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; kịp thời cung cấp thông tin về kết quả xử lý để cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng, đồng thời, tăng tính răn đe, đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với doanh nghiệp.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng?