Lam Sơn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

22/02/2017 10:37

Trước đây, xã Lam Sơn (Thanh Miện) chỉ có 2 thôn trong tổng số 5 thôn trồng rau màu vụ đông với diện tích gần 20 ha. Người dân phải tự mang rau, quả đi tiêu thụ ở các chợ.



Nông dân xã Lam Sơn thu lãi từ 5-6 triệu đồng/sào khoai lang, thương lái đến thu mua tại ruộng


Giá trị sản xuất chỉ đạt 5-6 triệu đồng/sào/năm nên nhiều hộ không mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Trong năm, ngoài cấy 2 vụ lúa, phần lớn diện tích đất bị nông dân bỏ không.

Cuối năm 2015, sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, các ô ruộng lớn được hình thành, xã đã có chủ trương khôi phục lại vùng chuyên canh rau màu ở thôn Kim Trang Đông. Bởi trước kia thôn này từng có truyền thống trồng màu và chất đất phù hợp với cây rau màu. Ban đầu, hầu hết các hộ đều lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Nhưng khi biết tỉnh hỗ trợ 100% hệ thống tưới tiêu tự động và được cán bộ thôn tuyên truyền, phân tích về lợi ích của việc trồng rau màu tập trung thì các hộ đều nhất trí.

Từ 20 ha ban đầu, đến nay thôn Kim Trang Đông đã có vùng chuyên canh rau màu rộng gần 40 ha, được UBND tỉnh đầu tư hệ thống tưới tự động, giúp tiết kiệm nước, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân. Bà Lê Thị Thu ở thôn Kim Trang Đông phấn khởi cho biết: Sau khi dồn điền, đổi thửa xong, nhà bà chỉ còn 1 ô ruộng rộng 7 sào, bà trồng xen canh các loại rau, dưa, ngô, khoai lang... Trước đây, trên cánh đồng này chỉ có vài hộ trồng nên việc chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. Bây giờ, cả thôn cùng làm, nên chỉ cần gọi điện thoại, thương lái đã đến thu mua tận ruộng, không lo đầu ra như trước nữa. Mỗi năm gia đình bà thu lãi gần 20 triệu đồng/sào, cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa.

Đến nay, toàn xã đã có 45 ha rau màu, trong đó có vùng chuyên canh rau màu gần 40 ha ở thôn Kim Trang Đông. Mỗi năm, nông dân trồng 4 vụ rau màu nên hiệu quả sản xuất tăng. Năm 2016, giá trị sản xuất của vùng này đạt 11 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với năm 2015. Xã đang tiếp tục vận động các hộ ở thôn Kim Trang Tây hình thành vùng chuyên canh rau màu. UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ 50% kinh phí để xây dựng hệ thống tưới nước tự động, phần còn lại sẽ do người dân đóng góp.

Ông Phạm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết: Lam Sơn là xã có truyền thống trồng rau màu. Với những hộ thiếu lao động không thể làm, xã vận động họ đổi ruộng cho nhau để tạo thành khu sản xuất tập trung, tránh lãng phí đất. Xã giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp tìm giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đồng đất như su hào, cải bắp, khoai lang, ngải cứu, dưa lê... Mỗi sào nông dân thu lãi 12-13 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với trước.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lam Sơn chuyển đổi cơ cấu cây trồng