Y tế - Sức khỏe

Làm sao ngăn trẻ ở tuổi dậy thì có hành động dại dột?

TN (theo Tuổi trẻ) 27/03/2024 11:50

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố ở TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một số ca trẻ em đang ở tuổi dậy thì tự hủy hoại mình bằng thuốc.

Các chuyên gia y tế, tâm lý cho rằng các bậc phụ huynh hãy lắng nghe các con nhiều hơn.

"Con mong muốn ngay khoảnh khắc con mở lòng chia sẻ thì ba mẹ hãy lắng nghe con và đừng mắng con ngay lúc đó.

Còn lúc con đã bình tĩnh lại hãy góp ý cho con những điều con chưa được. Dù cha mẹ có bận rộn với công việc như thế nào hãy dành cho chúng con một chút thời gian", bé N. chia sẻ mong muốn của mình.

Theo bác sĩ Diệu Vinh, trẻ ở độ tuổi dậy thì 10-18 tuổi, các hormone sinh dục được tiết ra, tạo ra những thay đổi về hình dáng cơ thể và tâm sinh lý của trẻ.

Trẻ trở nên rất nhạy cảm và dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh như lời nói, hành động của các thành viên trong gia đình, bạn bè, thầy cô...

Ở độ tuổi này, trẻ muốn được khẳng định bản thân, muốn được tự quyết định như một người lớn nhưng kinh nghiệm lại chưa đủ, nên khi bị người lớn chê trách trẻ dễ bị "đau" về mặt cảm xúc.

Trẻ sẽ có cảm giác không được chia sẻ, cảm thấy bế tắc, buồn chán, dễ có những hành động bột phát, dại dột... Khi trẻ cảm thấy bất an, trẻ lại càng cần được thấu hiểu, được thông cảm.

Bác sĩ Diệu Vinh cũng cho rằng trẻ em ở các đô thị có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh tâm lý. Trẻ bị áp lực từ học hành, từ mạng xã hội... Nhiều trẻ đi học từ sáng sớm đến tận khuya.

Có những bé học nhiều đến mức không ăn được, về đến nhà trong tình trạng rất mệt. Nếu như các bậc cha mẹ không chia sẻ, còn tạo thêm những áp lực, trẻ sẽ dễ có vấn đề về tâm lý.

Ngoài ra, trẻ có rất ít thời gian để vui chơi, nói chuyện với người thân, bạn bè, trẻ cũng ít có thời gian tập luyện thể dục thể thao, ít gần thiên nhiên, ít môn giải trí lành mạnh... Với cách sống như hiện nay trẻ không cân bằng được trong cuộc sống, dễ bị căng thẳng.

Trẻ em xem điện thoại nhiều cũng bị nhiều thông tin trên mạng xã hội ảnh hưởng, đặc biệt là những thông tin không tốt.

Bác sĩ Diệu Vinh khuyên các bậc cha mẹ nên có trách nhiệm, yêu con nhiều hơn, dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu con, không nên lấy ý của mình áp đặt cho trẻ.

Khuyến khích trẻ chơi theo nhóm, chơi thể thao, học các môn như đàn piano, vẽ... để trẻ có thể thư giãn, xả những căng thẳng trong cuộc sống.

TS Ngô Xuân Điệp, khoa tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết hiện nay sự giáo dục của trẻ em bị thay đổi rất nhiều so với các thế hệ trước đó.

Ngoài sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, hiện nay trẻ đang tiếp nhận sự giáo dục từ những thông tin trên mạng xã hội. Trẻ không tiếp nhận thông tin theo kiểu áp đặt như trước mà muốn được khai phóng.

Trong khi đó, những giá trị, quan điểm sống của các bậc cha mẹ lại được định hình từ nhiều năm trước. Khi đề cập đến một vấn đề, hai thế hệ có cách nghĩ khác nhau nhưng các bậc cha mẹ thường muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, làm trẻ cảm giác không được hiểu, không được chia sẻ...

Đặc biệt, trong tuổi dậy thì trẻ dễ có cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, trẻ còn bị những áp lực khác như áp lực học hành, con trẻ chỉ mong được cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu và cho trẻ được quyết định...

TN (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao ngăn trẻ ở tuổi dậy thì có hành động dại dột?