Phụ huynh nên tạo cơ hội cho con bộc lộ tài năng, khơi gợi sự tự tin, không chỉ trích khi bé mắc lỗi, luôn lắng nghe và chia sẻ.
Theo WHO, từ 0 đến 18 tuổi, trẻ trải qua 5 giai đoạn quan trọng. Định hướng nhân cách, dinh dưỡng hợp lý giúp các em phát triển toàn diện.
Không thúc ép, để con tự bộc lộ tài năng
Nhiều trường ở phương Tây dành phần lớn thời gian cho trẻ tương tác ngoài trời, học cách quan sát, nhìn ngắm vẻ đẹp và sống hòa hợp với thế giới tự nhiên.
Mỗi đứa trẻ phát triển theo một cách và tốc độ khác nhau. Phương pháp giáo dục áp dụng chủ yếu ở Đức khuyên phụ huynh chú ý đến nhu cầu của từng em, thôi mong đợi con trở thành người mà bé không muốn. Thay vì thúc ép, mẹ nên chú trọng hơn tới việc kích thích sự tìm tòi, khám phá và tạo cơ hội để trẻ được bộc lộ tài năng của mình, tự tin hơn trong mọi trường hợp.
Đừng chỉ trích
Thay vì bắt lỗi con một cách gay gắt, mẹ nên nhẹ nhàng chỉ ra lỗi sai, khuyên bé không tái phạm với một thái độ ôn hòa để dễ dàng tiếp thu và thấu hiểu. Bởi khi liên tục bị chỉ trích lỗi sai, bé sẽ hình thành tâm lý xấu hổ, tự ti, rụt rè trong ứng xử và không dám tự quyết.
Maria Montessori - người sáng lập mô hình giáo dục Montessori, nhiều lần được đề cử giải Nobel - luôn nhấn mạnh thông điệp với mọi người mẹ là: trẻ em xứng đáng được tôn trọng. Nếu bạn trừng phạt một đứa trẻ vì một sai lầm, các em sẽ cảm thấy tội lỗi cho mọi thứ.
Hãy nhẹ nhàng chỉ ra lỗi sai và cùng bé khắc phục |
Tránh dễ dãi nhưng đừng khắt khe
Nuông chiều thái quá không tốt, nhưng quá nghiêm khắc, kiểm soát, áp đặt suy nghĩ lên con cái, khiến trẻ “nghẹt thở” lại càng không nên. Mẹ chỉ nên dừng ở mức độ đủ khiến con tôn trọng và tin tưởng để thiết lập mối quan hệ gia đình gắn kết hơn. Ngoài ra, mẹ nên dành thời gian để tâm sự, trở thành bạn thân, hỗ trợ con trên hành trình trưởng thành.
Nghiên cứu của Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) phối hợp thực hiện cùng Viện Nghiên cứu Trái Đất thuộc Đại học Columbia vào ngày 16.3.2018 cho thấy Đan Mạch là quốc gia có chỉ số hạnh phúc đứng đầu thế giới.
Trẻ nhỏ ở đất nước này luôn lạc quan, biết yêu thương và quan tâm tới mọi người. Lý do, ở giai đoạn phát triển tính cách, các em được khuyến khích chia sẻ cùng bố mẹ. Phụ huynh cố gắng đặt câu hỏi tại sao con chưa khám phá hết về bản thân và có hành động không kiểm soát được. Từ đó, họ đưa ra cách giải quyết vấn đề nhẹ nhàng nhất.
Trang bị kỹ năng xã hội
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hoàng Oanh - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, kiến thức là nền tảng thiết yếu nhưng kỹ năng mới là công cụ giúp con người tồn tại. Các kỹ năng được hiểu như trí thông minh ở trí tuệ lẫn cảm xúc gồm: ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, tự hiểu chính mình, âm nhạc, thể chất, không gian (bằng hình ảnh), toán học, hòa hợp với thiên nhiên.
Nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Đại học Pennsylvania State và Đại học Duke trong vòng 20 năm đã chỉ ra mối quan hệ giữa việc trang bị kỹ năng xã hội từ năm học mẫu giáo và tỷ lệ thành công trong tương lai. Kỹ năng xã hội không làm bé trở thành “ông cụ non, bà cụ non” mà thay vào đó sẽ phát triển toàn diện, sẵn sàng hơn trong giai đoạn trưởng thành.
Phương pháp Montessori cũng khuyên ở những năm đầu đời, phụ huynh hãy để bé tự làm các công việc trong khả năng. Để con trải nghiệm tự mang đồ, đi giày dép hoặc bất cứ việc nhà nào mà bé tò mò sẽ mang đến cảm giác hạnh phúc, tự lập hơn.
Bổ sung năng lượng với dinh dưỡng đầy đủ
Theo UNICEF, việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ sẽ mang đến nhiều lợi ích cho phát triển não bộ, hệ xương, cơ bắp, quá trình trao đổi chất thích ứng với chất béo, gluco tốt hơn. Cùng với đó, hiệu suất phát triển nhận thức, học thức được phát triển, khả năng làm việc nâng cao, có thể tránh các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, béo phì...
Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra khuyến nghị, xây dựng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ căn cứ vào độ tuổi, giới tính, hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý... Theo đó, bữa ăn cần đầy đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý từ 4 nhóm thực phẩm: bột đường; đạm; lipid; vitamin và muối khoáng.
Ngoài những cách trên, để nuôi dạy con thông minh, mẹ nên tìm hiểu rõ nhu cầu, sở thích của trẻ để lựa chọn phương pháp giáo dục, chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất.
NHƠN DUNG (VnExpress)