Liên quan đến việc kho hàng lậu khủng ở Lào Cai chậm bị phát hiện xử lý, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sẽ sớm làm rõ trách nhiệm của địa phương.
Trả lời phóng viên, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) khẳng định, sẽ làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ kho hàng lậu có doanh thu 649 tỷ đồng tại Lào Cai.
Theo đó, lực lượng QLTT Lào Cai phải có trách nhiệm trả lời, làm rõ tại sao lại có kho hàng lớn tồn tại gần 2 năm mà không được phát hiện xử lý.
Thực tế, kho hàng tồn tại và hoạt động trong một thời gian dài với quy mô lớn. Tuy nhiên lực lượng quản lý thị trường địa phương không kịp thời phát hiện được sự việc. Thậm chí, chỉ đến khi nhận được thông tin từ Tổng cục và các lực lượng liên ngành thì đơn vị này mới biết.
Hiện nay, Tổng cục Quản lý thị trường đang yêu cầu Cục Quản lý thị trường Lào Cai tiến hành các thủ tục kiểm điểm, báo cáo các vấn đề liên quan vụ việc. Việc chậm trễ phát hiện kho hàng lậu khủng trên địa bàn phụ trách của đơn vị này và các nghi vấn liên quan cũng sẽ được sớm làm rõ.
Tại cuộc họp báo chiều 23.7 của Ban Chỉ đạo 389, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, trong vụ tổng kho hàng lậu 10.000 m2 ở TP Lào Cai có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Theo ông Minh, kho hàng lậu rộng hơn 10.000 m2 tại TP Lào Cai là vụ việc bán hàng giả, hàng lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tổng hàng hóa trong kho hàng này xếp đủ 34 container.
Báo cáo kết quả thanh kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường cho biết, nhóm đối tượng tính toán rất kỹ bởi vị trí đó giúp nhóm đối tượng khai thác nhiều lợi thế. Trong đó có việc, do tiếp giáp cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua cửa khẩu biên giới là có thể nhập kho lượng lớn hàng hóa, tránh được sự giám sát của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chi phí thuê mặt bằng tại Lào Cai cho diện tích rộng 3-4 héc-ta như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều so với tại các thành phố lớn; nhân công được thuê cũng rất rẻ.
Cũng Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, những lao động phổ thông, chốt đơn trong tổng kho, làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ được trả bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Cán bộ thủ quỹ, kế toán được trả từ 7-10 triệu đồng/tháng. Người quản lý chung được trả khoảng 20 triệu đồng/tháng. Cá biệt có một số nhân viên diễn livestream được trả tới trên 80 triệu đồng/tháng.
Về các loại chi phí, Tổng cục QLTT cho biết, chi phí cố định, chi phí cho cơ sở vật chất, ăn uống, các chi phí phát sinh khác của tổng kho này trong 1 tháng xấp xỉ 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh sách liệt kê của nhóm đối tượng có một loại chi phí được kê “luật lá” là 20 triệu đồng/tháng.
Nói về hình thức kinh doanh, ông Minh nói, nhóm đối tượng này sử dụng hình thức bán hàng qua mạng nên chỉ trả chi phí chạy quảng cáo trực tuyến (khoảng gần 400 triệu đồng/tháng) và cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng/tháng.
Qua rà soát từ tháng 10.2018 tới nay, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng. Đây là vụ bán hàng giả, hàng lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đơn vị này đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ kho hàng.
Sau 4 ngày kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định, tổng kho hàng có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm. Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Trong kho còn có 811 mã đơn hàng được đóng gói chờ chuyển phát. Ngoài lực lượng chức năng, Tổng cục Quản lý thị trường còn phải thuê thêm 70 nhân công bốc xếp, khuân vác, phục vụ kiểm đếm. Toàn bộ số hàng được chất vào trong 34 container mới đủ chỗ để niêm phong.
Theo VTC