Làm rõ trách nhiệm khi công trình xây dựng kém hiệu quả

26/11/2013 10:10

Ngày 25-11, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 28.


Buổi sáng, QH thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.



Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) góp ý vào Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: Đình Nam


Với 87,15% số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm 5 chương 77 điều, quy định cụ thể về việc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật.

Thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng sau hơn 9 năm thực hiện, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, Luật Xây dựng có liên quan đến nhiều luật khác nên cần được rà soát, đánh giá kỹ phạm vi, nội dung sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, xác định được vai trò, chức năng, nội dung điều chỉnh của Luật. Các chủ thể có liên quan trong Luật Xây dựng (sửa đổi) nên giới hạn và tập trung vào công tác xây dựng, chức năng quản lý thông qua hoạt động kiểm tra giám sát... Các nội dung liên quan đến vấn đề khác nên điều chỉnh sửa đổi, bổ sung vào các luật chuyên ngành như Luật Nhà ở, Luật Đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án luật đã giải quyết cơ bản những mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm sự thống nhất với các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác. Đặc biệt, việc sửa đổi lần này đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phần nào đã nâng cao được hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí theo nguyên tắc tiền kiểm; tập trung kiểm soát kỹ vấn đề quy hoạch, tiêu chuẩn về chất lượng an toàn, bảo vệ môi trường trong giám sát khả thi và các điều kiện quản lý giám sát.

Cho rằng vai trò của công trình xây dựng là cốt lõi trong tính toán hiệu quả đầu tư của dự án, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) nhận định, Dự thảo luật có điều chỉnh yếu tố quản lý đầu tư cụ thể trong xây dựng để bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát là một đột phá mới. Theo đại biểu Bình, pháp luật hiện hành về xây dựng chưa coi trọng vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định, góp ý nội dung thiết kế cơ sở, do vậy việc ban soạn thảo đưa vào dự thảo nội dung giao cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng của Nhà nước phải có trách nhiệm thẩm tra thiết kế cơ sở là phù hợp. Cơ quan chuyên môn của Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý về quy hoạch kiến trúc, phương án tuyến, tác động của công trình đến môi trường… Đại biểu Bình đề nghị ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi công trình xây dựng kém hiệu quả, chất lượng không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân.

Cơ bản thống nhất với các nội dung của Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với phạm vi sửa đổi của luật, thống nhất với việc thay thế cụm từ “hoạt động đầu tư xây dựng” bằng cụm từ “hoạt động xây dựng” tại Luật Xây dựng hiện hành với quan điểm đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình. Luật Xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng bao gồm quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án đầu tư cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng... với mọi nguồn vốn đầu tư.

 Ngày 26-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Chiều 25-11, QH thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ môi trường, sửa đổi. Hầu hết các đại biểu QH cho rằng, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đang ngày càng trầm trọng, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vì  vậy,  cần thiết phải sửa luật để có chế tài nghiêm minh. Nhiều ý kiến đề cập tới những vấn đề mới nảy sinh của tình trạng biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái, do đó đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, vi phạm pháp luật về môi trường có nhiều nguyên nhân, một phần do công tác thực thi pháp luật chưa đủ mạnh, chế tài chưa đủ răn đe. “Đề nghị dừng hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, phải có cơ chế để tôn vinh những cơ sở, cá nhân có thành tích trong bảo vệ môi trường, bảo đảm thưởng, phạt nghiêm minh, công bằng của pháp luật”, đại biểu Hương cho biết.

Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) đề nghị về đánh giá tác động môi trường của các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định, Dự thảo Luật yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn làm dự án tiền đầu tư. Đây là yêu cầu cần thiết. “Từ thực tế các dự án thủy điện bị loại bỏ cho thấy, nếu có đánh giá tác động môi trường sơ bộ ngay trong giai đoạn xây dựng dự án báo cáo tiền khả thi sẽ hạn chế được lãng phí đầu tư cho doanh nghiệp và xã hội. Cần thiết phải quy định điều này”, đại biểu Huyền Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, những quan điểm về xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần được luật hóa để tránh sự cảm tính, tùy tiện trong ứng xử với môi trường.

Chiều 25-11, với 84,14% số phiếu tán thành, các đại biểu QH đã chính thức thông qua Luật Tiếp công dân. Một trong những nội dung quan trọng của Luật này là nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương):


Cần quy định cụ thể việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư


Thực tế vừa qua cho thấy, có không ít dự án do không thực hiện nghiêm túc việc tham vấn của cộng đồng dân cư, đến khi dự án đi vào hoạt động đã tác động xấu tới môi trường gây bức xúc trong nhân dân, thậm chí dẫn tới việc nhân dân chặn đường, chặn cổng, ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp. Việc tham vấn cộng đồng dân cư chính là hình thức phát huy dân chủ đã được quy định tại Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên tôi thấy, quy định như trong dự thảo luật còn chung chung và khó thực hiện. Tôi đề nghị cần có hướng dẫn thực hiện việc tham vấn cộng đồng. Không thể nào tham vấn tất cả cộng đồng dân cư, vì vậy phải quy định rõ cộng đồng dân cư ở phạm vi nào, tổ chức nào, những ai đại diện cho cộng đồng dân cư, cách thức tham vấn cộng đồng dân cư như thế nào. Tôi đề nghị nên quy định là lấy ý kiến của cộng đồng dân cư chứ không nên quy định tham vấn cộng đồng dân cư.

Theo quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Vì vậy, quy định MTTQ đại diện cho người dân trong việc lấy ý kiến là hợp lý. Do đó tôi đề nghị sửa điểm a, khoản 1, điều 16 lại là: Chủ dự án gửi văn bản đến UBND và Ủy ban MTTQ tại các địa phương triển khai dự án, kèm theo tài liệu tóm tắt về các hạng mục đầu tư chính, các vấn đề môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án để lấy ý kiến.


Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng

Tôi được biết, khoản 2, điều 10, Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này quy định: “Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của xã, phường sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn đóng góp của cộng đồng và vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc giám sát của cộng đồng. Tùy thuộc quy mô, loại công trình và nguồn vốn sử dụng, HĐND các cấp, MTTQ và các đoàn thể thành viên là đại diện cho dân cư tại khu vực xây dựng thực hiện việc giám sát cộng đồng đối với công trình xây dựng”. Mặc dù luật quy định rõ việc giám sát như thế nào do Chính phủ quy định, song chúng tôi thấy như vậy vẫn rất khó thực hiện. Bởi theo Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng do Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005- QĐ/TTg, ngày 18-4-2005, ngoài giám sát các nội dung về đầu tư, cộng đồng còn theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư đúng quy định trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình. Tôi cho rằng quy định như vậy không khả thi, bởi thực tế, các ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cấp xã ít khi được chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công cung cấp đầy đủ hồ sơ xây dựng để thực thi giám sát theo quy định. Có nơi, đơn vị thi công còn tỏ thái độ không hợp tác khi thành viên ban giám sát cộng đồng có mặt tại công trường. Một số nơi, dù có được cung cấp, nhưng năng lực của cán bộ giám sát có hạn nên cũng không hiệu quả. Theo tôi, nên quy định rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, chủ đầu tư xây dựng trong việc cung cấp thông tin cho giám sát cộng đồng và chế tài xử lý khi vi phạm. Luật cũng cần quy rõ cách xử lý trong tình huống một số dự án được xây dựng từ nhiều nguồn vốn, trong đó có cả nguồn vốn của nhà nước, của cộng đồng và của tài trợ, mà kết quả giám sát của cộng đồng và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vênh nhau.

NGUYỄN HOÀI (Xã Ái Quốc, TP Hải Dương)



Siết chặt việc cấp phép xây dựng ở nông thôn

Hiện nay, việc chấp hành pháp luật trong thiết kế, cấp phép xây dựng, đặc biệt đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn còn rất hạn chế. Nhiều công trình dân dụng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không có thiết kế, không được cấp phép vẫn ngang nhiên xây dựng. Bất cập là do hiện nay ở cấp xã chưa có đội ngũ làm nhiệm vụ  kiểm soát, xử lý các trường hợp xây dựng không phép.

Theo tôi, Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này quy định về việc "UBND cấp xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt, những điểm dân cư theo quy định của UBND cấp huyện phải cấp giấy phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý" (khoản 4, điều 86 về thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng) là hợp lý vì đã phân quyền cho cấp xã trong việc kiểm soát xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, luật cần bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ gia tăng thẩm quyền của đội ngũ cán bộ làm công tác địa chính - xây dựng ở cấp xã để tăng cường việc quản lý, cấp phép xây dựng tại khu vực nông thôn.

NGUYỄN VĂN(Xã Thanh Quang, Nam Sách)


Xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch xây dựng

Vấn đề thực hiện quy hoạch trong xây dựng rất quan trọng. Các công trình xây dựng phải căn cứ vào đồ án quy hoạch xây dựng để thực hiện nghiêm túc. Hiện nay nhiều công trình xây dựng sai quy hoạch hoặc cấp phép sai quy định, khi phát hiện lại không được xử lý triệt để. Điều đó chứng tỏ Luật Xây dựng chưa được thực hiện nghiêm minh. Do đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần có điều khoản quy định xử lý thật nghiêm các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch.

Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch là tất yếu, bởi nhận thức trong thời điểm quy hoạch còn hạn chế so với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc điều chỉnh quy hoạch không được làm phá vỡ quy hoạch chung, lần điều chỉnh quy hoạch sau phải tốt hơn quy hoạch trước. Tránh tình trạng lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để tạo lợi ích nhóm, mất đi lợi ích của cộng đồng, vấn đề này cần có trong Luật Xây dựng sửa đổi.

Kiến trúc sư TRỊNH NAM HƯNG (Sở Xây dựng)



TTXVN - CHINHPHU.VN -  NA


(0) Bình luận
Làm rõ trách nhiệm khi công trình xây dựng kém hiệu quả