Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc chậm tham mưu ban hành văn bản pháp luật dẫn đến chậm triển khai các chính sách mới.
Sáng 14/10, tại trụ sở Tỉnh ủy Hải Dương, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì phiên họp lần thứ 7 của ban.
Theo thông cáo báo chí ban hành sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo đã nghe và cho ý kiến về kết quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng của năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Kết luận phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Trần Đức Thắng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan nội chính - phòng chống tham nhũng tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy kết quả đã đạt được, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là phổ biến pháp luật đối với khu vực ngoài quốc doanh. Đẩy mạnh việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời cụ thể hóa các chính sách mới của Nhà nước. Nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, thu hút đầu tư của tỉnh.
Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh giao Sở Tư pháp rà soát tiến độ tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các sở, ngành; xem xét, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc chậm tham mưu ban hành văn bản pháp luật dẫn đến chậm triển khai các chính sách mới của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hơn nữa hiệu quả tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tiếp tục kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, đơn vị.
Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thống nhất đưa 1 vụ án hình sự ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo; thống nhất đưa một số vụ việc thi hành án dân sự phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo và giao các cơ quan nội chính tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án.
Trong 9 tháng năm 2024, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phổ biến, quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế đạt kết quả tích cực, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, bám sát kế hoạch đề ra; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được quan tâm, chú trọng, trên địa bàn tỉnh không phát sinh mới vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp.
Các cơ quan nội chính tỉnh phối hợp chặt chẽ, giải quyết dứt điểm 7 vụ án tham nhũng, tiêu cực trong diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, bảo đảm việc giải quyết các vụ án đúng quy định của pháp luật, thể hiện được tính nhân văn của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc thu hồi tài sản thất thoát kịp thời, khắc phục tối đa hậu quả của các vụ án tham nhũng, tiêu cực.